Diễn đàn của Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Phú Thọ

Người thương binh nặng tình đồng đội

Người thương binh hạng ¼ ấy là ông Trần Văn Quang - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Phú Thọ.

ng_quangThương binh hạng 1/4 Trần Văn Quang- Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Phú Thọ

Thời kháng chiến, ông và đồng đội từng chung nhau nỗi đói cơm, thiếu áo; chia sẻ cùng nhau sự gian khổ, hiểm nguy để nuôi dưỡng tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù và đã lập nên bao chiến công. Nay, đã gần mười năm tham gia công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông lại cùng các cộng sự chia sẻ nỗi đau da cam với những người đồng đội và con, cháu của họ bị nhiễm chất hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Năm 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đang học lớp cuối cấp 3, Trần Văn Quang quyết xin nhập ngũ. Qua 5 lần viết đơn tình nguyện bằng máu, ngày 23/4/1970, ước mơ của cậu học sinh lớp 10 trường cấp 3 Long Châu Sa trở thành hiện thực.

5 năm quân ngũ, Trần Văn Quang đã chiến đấu ở các mặt trận Tây Ninh, Long An, Bình Phước và chiến trường K. Đã tham gia bao nhiêu trận đánh, Trần Văn Quang không thể nhớ, nhưng trận đánh ngày 13/1/1975 thì ông không thể quên. Trận ấy, ông cùng đồng đội đã chiến đấu quả cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam khen thưởng. Tấm ảnh Trần Văn Quang cùng “tổ 3 người” chắc tay súng AK với ánh mắt rực lửa hướng về phía kẻ thù được đăng trên Báo Quân Giải phóng và Báo Quân đội nhân dân đầu năm 1975 đến giờ vẫn được ông gìn giữ như một kỷ vật chiến tranh. Qua hai lần bị thương: Lần thứ nhất ở Kra Chê (Cam-pu-chia) và lần thứ hai ở Tây Ninh, ngay sau giải phóng miền Nam, ông phải trở về Đoàn 235 để dưỡng thương, đến năm 1988 thì ra quân hưởng chế độ mất sức lao động và chế độ thương binhhạng ¼.

Miền Đông Nam Bộ là một trong những chiến trường Mỹ sử dụng nhiều chất độc hóa học nhất. Bị nhiễm chất độc hóa học từ bố, các con của vợ chồng ông Quang thường xuyên ốm đau, riêng cậu út bị nặng hơn cả. Cùng hoàn cảnh như ông, ở thị xã Phú Thọ có tới 178 người tham gia kháng chiến đã bị nhiễm chất độc da cam. Cũng như con ông, trên địa bàn có 137 người là con, cháu của nạn nhân phải chịu nỗi đau da cam.

t31nh_bo_nguyn_c_sinh_trong_mt_chuyn_cng_cn_b_hi_nn_nhn_cht_c_da_camdioxin_trao_qu_cho_nn_nhn__th_x_ph_th

Ông Trần Văn Quang (bên phải) cùng nhà hảo tâm tặng quà gia đình thương binh là nạn nhân chất độc da cam ở thị xã Phú Thọ

Lấy nỗi đau của chính gia đình mình làm nỗi đau chung của các nạn nhân, từ năm 2011 đến nay, ở các cương vị Ủy viên Thường trực và Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Phú Thọ; ông Trần Văn Quang đã cùng BCH Hội chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền thị xã để củng cố, xây dựng Hội vững mạnh, thu hút 100% nạn nhân vào tổ chức Hội; vận động các nguồn lực từ cộng đồng để chăm sóc, giúp đữ nạn nhân. Đặc biệt Hội thị xã Phú Thọ cùng với Hội huyện Lâm Thao đã hoàn thành sớm nhất tỉnh Phú Thọ việc chuyển đổi mô hình tổ chức chi hội trực thuộc thành hội cơ sở có đầy đủ tư cách pháp nhân để hoạt động thuận lợi và hiệu quả. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội với với các tổ chức, đoàn thể, sự “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” của cả cộng đồng; trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, tất cả nạn nhân trực tiếp và gián tiếp đều được thăm hỏi, tặng quà; ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 tặng quà cho nạn nhân nữ, ngày kỷ niệm chiến thắng 30/4 tặng quà cho nạn nhân là chủ tịch các hội cơ sở. Nạn nhân ốm đau được thăm hỏi, nạn nhân qua đời được phúng viếng và tham gia tổ chức tang lễ chi đáo. Đến nay, tất cả Hội cơ sở ở thị xã Phú Thọ đều có nguồn quỹ từ 10-30 triệu đồng để hoạt động. Công tác quản lý, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng đi vào nền nếp.

Nói về những điều tâm đắc trong công tác Hội, ông Trần Văn Quang chia sẻ: Tình đồng đội là điều rất thiêng liêng đối với mỗi người lính - mỗi cựu chiến binh. Hơn ai hết, những cựu chiến binh, thương binh như tôi khi làm công tác Hội không thể quên những đồng đội của mình phải gánh chịu nỗi đau da cam. Bởi vậy, dù không có chế độ đãi ngộ gì đáng kể nhưng chúng tôi vẫn cố gắng gắn bó với công tác Hội, hy vọng giúp đỡ những đồng đội của mình vơi bớt hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

NGUYỄN SẢN


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Banne2Banne1

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Chưa có bài viết nào trong mục này

HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ

Số 381A đường Tiên Dung phường Tiên Cát thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ

Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn

Chủ tịch: PHẠM NGỌC QUỲNH Phó chủ tịch: NGUYỄN VĂN SẢN Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC