Trong ngày: 215
Trong tuần: 634
Lượt truy cập: 268823
Hạnh phúc được chia sẻ - hạnh phúc nhân lên, nỗi đau được chia sẻ - nỗi đau dịu bớt. Những năm qua, những việc làm không mệt mỏi thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin tỉnh và những tấm lòng nhân ái của nhiều cá nhân, đơn vị đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, nhân lên niềm tin, sức mạnh đoàn kết cộng đồng…
Đ/c Nguyễn Thị Thanh Huyền- Ủy viên BTV Tỉnh ủy , Trưởng ban Dân vận cùnglãnh đạo huyện Đoan Hùng, lãnh đạo Tỉnh hội trao quà cho nạn nhân ở xã Chí Đám.
Người cứng rắn nhất cũng khó kìm được những giọt nước mắt khi đối diện mình là những nạn nhân bị di chứng của chất độc da cam, và chúng tôi cũng không ngoại lệ khi được nghe, được chứng kiến hoàn cảnh của gia đình nạn nhân da cam Nguyễn Thị Bình - thôn Đông Tiêm, xã Hùng Quan, huyện Đoan Hùng. Chân tay co quắp, cử chỉ ngây dại, ánh mắt vô hồn… như cái cánh tay chắc khoẻ siết chặt yết hầu người đối diện đến nghèn nghẹn, khó thở, mắt cay... Sinh năm 1982 nhưng nếu không có người trông, Bình phải nằm trong cũi gỗ như em bé. Bình bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ người cha Nguyễn Quang Dũng, từng chiến đấu trực tiếp ở chiến trường miền Nam từ năm 1968 đến 1975; ông mất năm 1986 để lại điều lo lắng nhất cho bà Trần Thị Lan – mẹ của Bình. “Bình cứ ngây ngô như thế suốt nhiều năm qua, bản thân tôi không thể bỏ con ở nhà một mình, cũng không có chế độ trợ cấp để chăm sóc con như những trẻ hưởng chế độ tàn tàn tật nặng. Hai mẹ con chỉ trông chờ vào nguồn trợ cấp da cam của Bình chưa tròn 900.000đ /tháng…” – bà Lan chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đoan Hùng, toàn huyện có trên 1.000 người nghi nhiễm chất độc da cam; gần 300 trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ông Tô Văn Hoà – Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam huyện Đoan Hùng cho biết: “Trong số các nạn nhân chất độc da cam được thống kê, có gần 800 người đang hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, vẫn còn những người chưa được hưởng chế độ do mất giấy tờ chứng lý, chưa được hoặc đang được xem xét… Phần lớn các nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật liên miên, con cái bị dị tật bẩm sinh, không biết nói cười, nhiều người 30 - 40 tuổi đời vẫn như đứa trẻ lên ba, mọi sinh hoạt đều nằm tại chỗ… Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo cần được phục hồi chức năng…”.
Cũng như huyện Đoan Hùng, trên địa bàn toàn tỉnh, hiện nay vẫn còn hàng ngàn trường hợp nạn nhân nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, với vai trò tổ chức xã hội đặc biệt, các cấp hội Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin trong tỉnh trở thành cầu nối quan trọng giúp các nạn nhân vượt lên số phận, hoà nhập với cộng đồng xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 283 tổ chức hội, chi hội ở cấp huyện, xã; 6 tháng đầu năm 2019 Hội đã kết nạp thêm 36 hội viên mới, tổng số hội viên là 6.600 người. Đến nay đã có 56/269 Chi hội chuyển đổi thành Hội và đến cuối năm, các Huyện hội chưa chuyển đổi sẽ xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp uỷ, chính quyền để triển khai thực hiện việc chuyển đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội cơ sở nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong việc kết nạp hội viên và vận động ủng hộ, chăm sóc nạn nhân, tránh tư tưởng ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cấp trên.
Với phương châm làm tốt công tác vận động để các tổ chức, cá nhân; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng vào cuộc, chung tay với tổ chức hội NNCĐDC/dioxin từ tỉnh tới cơ sở thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh và các chế độ, chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Điểm nổi bật trong hoạt động tuyên truyền của Hội năm qua là việc xây dựng Trang thông tin điện tử của Tỉnh hội (hoinannhandacamphutho.com), đến tháng 5-2019 đã có trên 100.000 lượt bạn đọc truy cập. Đồng thời phối hợp trong việc trao đổi thông tin về tình hình nạn nhân; khảo sát, thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu về người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trợ giúp. Bên cạnh đó, đưa ra những kiến nghị và giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam có thu nhập, ổn định cuộc sống và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân…
Lãnh đạo Tỉnh hội trao quà nạn nhân Lê Văn Nuôi, Bùi Xuân Nụ ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh.
Giám đốc Công ty Ngọc Tuệ tặng quà nạn nhân có khuôn mặt dị dạng do di chứng chất độc da cam ở xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê.
Huyện hội Đoan Hùng vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn làm nhà cho con nạn nhân da cam ở xã Yên Kiện.
Với sự nỗ lực của các cấp hội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp hội đã vận động được trên 3,6 tỷ đồng. Trong đó có quà Tết Kỷ Hợi; hỗ trợ, thăm hỏi nạn nhân đặc biệt khó khăn; xây 7 nhà tình nghĩa; trao tặng bò làm sinh kế cho gia đình nạn nhân nghèo. Ngoài ra Hội còn vận động ủng hộ nạn nhân bằng vật chất như quần áo, chăn màn, xe lăn, gạo… Hội phối hợp với tổ chức Y tế, bệnh viện đóng trên địa bàn tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 1.400 lượt nạn nhân; hỗ trợ 210 gia đình nạn nhân vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng…
Ông Phạm Ngọc Quỳnh – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, các cấp hội sẽ thực hiện tốt các chương trình phối hợp của BTV Tỉnh hội với các cơ quan có liên quan, đồng thời tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi, đảm bảo công tác tổ chức hội đúng với Nghị định 45 của Chính phủ và thực hiện việc làm thẻ nạn nhân, ưu tiên nạn nhân 81% trở lên để được ưu tiên khi đi khám chữa bệnh, xông hơi giải độc… Bên cạnh đó, hội tích cực vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, phấn đấu 100% nạn nhân được thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ tết và có nhiều hình thức giúp đỡ nạn nhân vươn lên như: cho vay vốn sản xuất; hỗ trợ đột suất; mở rộng liên kết khám chữa bệnh miễn phí…”.
Chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là việc làm thể hiện là đạo lý, phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những kết quả và sự nỗ lực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thời gian qua cũng là nghĩa tình, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, các cấp và toàn xã hội. Dù không thể bù đắp toàn bộ những thiệt thòi mà nạn nhân da cam và gia đình phải gánh nhưng những hành động, việc làm cụ thể ấy chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, từng bước chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, động viên họ vươn lên trong cuộc sống; đồng thời là nguồn cổ vũ động viên, thôi thúc họ lạc quan, vững tin…
NGUYỄN SẢN- HOÀNG GIANG
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC