Trong ngày: 237
Trong tuần: 640
Lượt truy cập: 268861
Từ những bức thư Người viết gửi cho thương binh liệt sĨ, gửi cho các gia đình có người thân hy sinh, chúng ta cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, bao la Bác dành cho những người con ưu tú của dân tộc - Những người có công với nước.
Bác Hồ và các đ.c lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Thương binh, bộ đội
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên sau buổi gặp tại Phủ Chủ tịch, 29/1/1957
Ngay từ giữa năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn cam go và quyết liệt, trước hiện thực chiến đấu gian khổ và hy sinh nơi chiến trường, Chủ tich Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương có chủ trương, chính sách chăm lo đến thương binh, gia đình liệt sĩ. Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ, “ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ”. Ngày 10/7/1947 cơ quan Thương binh và cựu binh, sau đổi là Bộ Thương binh được thành lập. Tháng 6 năm 1947, tại đồi Khau Tý, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm, ngày 27/7 là “Ngày thương binh”.
Trong hai cuộc kháng chiến, khi mỗi người con ưu tú của dân tộc ngã xuống, Bác Hồ cảm thấy đau xót như mất đi một người thân, mất đi một phần máu thịt của mình. Năm 1947, khi con trai Bác sỹ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã viết thư để động viên, chia sẻ với sự mất mát này: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.…Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ” (Trích bức thư Bác Hồ gửi Bác sỹ Vũ Đình Tụng). Bức thư Bác gửi đến một gia đình có con hy sinh vì nền độc lập dân tộc song đó cũng là tình cảm, sự sẻ chia, động viên của Bác đối với tất cả các gia đình trên đất nước Việt Nam có người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến.
Trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Bác viết:“Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu…Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Những dòng chữ đầy ân tình ấy của Bác là bài học sâu sắc mà Bác dành cho nhân dân Việt Nam, chúng ta phải biết ơn, phải chăm lo cho thương binh, liệt sỹ, những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Khi đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện để chăm lo, giúp đỡ thương binh liệt sĩ còn thiếu thốn, Bác đã phát động toàn dân: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương”. Lời phát động ấy của Bác vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt mà Bác dành cho những người đang ngày đêm cầm súng chiến đấu nơi chiến trường, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc của nhân dân Việt Nam, vừa phát động, kêu gọi người dân hãy thể hiện sự biết ơn thương binh liệt sĩ bằng những hành động cụ thể mà ý nghĩa để chia sẻ với những hy sinh và mất mát của họ.
Với tinh thần đó, Bác là người nêu gương, tiên phong đi đầu tỏ lòng quan tâm đến thương binh: “Tôi xin xung phong gửi…một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”. Vào tháng 7 năm 1953, Bác gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh: “Thưa cụ. Nhân dịp “Ngày thương binh” tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh lời chào thân ái của tôi” (Trích bức thư Bác Hồ gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, rèn luyện thế hệ trẻ để mỗi cá nhân, mỗi tập thể hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp như lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, những việc làm, những hành động nhỏ mà ý nghĩa để chăm lo thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, gia đình liệt sĩ. Bác đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng tổ chức các “Đội Trần Quốc Toản”: “Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành, khi học rảnh rang, cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, các thương binh, lần lượt giúp các nhà ít người. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ…” (Trích bức thư Bác Hồ gửi thiếu nhi, nhi đồng tổ chức các “Đội Trần Quốc Toản”).
72 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lấy ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh liệt sĩ, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tạo nên một truyền thống quý báu. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân, biết ơn và chăm lo những người đã hy sinh máu xương của mình cho nền độc lập của dân tộc. Hằng năm, các địa phương, các cấp, các ngành bằng những hoạt động thiết thực đã tạo sức lan tỏa của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hướng về những thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc màu da cam, gia đình có công với cách mạng…Đó là nét đẹp văn hóa, tỏ lòng hiếu nghĩa của dân tộc, của nhân dân Việt Nam với những người con ưu tú của dân tộc. Đạo lý ấy luôn sáng ngời trong tâm hồn dân tộc, luôn vang vọng và khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với thế hệ hôm nay và mai sau.
NGUYỄN THẾ
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC