Theo thông tin từ Hội Nạn nhân chất độ da cam/dioxin Việt Nam, chất da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên, thậm chí có gia đình sinh con tới 15 lần thì cả 15 người con đều là nạn nhân chất da cam. Các bệnh phổ biến ở con, cháu các nạn nhân chất da cam là dị tật, dị dạng bẩm sinh, rối loạn tâm thần, một số loại ung thư… Đặc biệt, ảnh hưởng của chất da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ, và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất da cam đã và đang sống trong thiếu thốn, khổ đau, bệnh tật và vô vọng…
Sau chiến tranh, nhiều địa điểm bị ô nhiễm dioxin vẫn tồn tại trên dải đất hình chữ S. Các sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà, Phù Cát… được coi là điểm nóng về ô nhiễm, do phạm vi, nồng độ dioxin vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Theo thời gian, các chất độc đã và đang lan toả, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, đòi hỏi phải xử lý triệt để.
Từ những năm 2000, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước đi nhằm hợp tác khắc phục hậu quả chất da cam. Ban đầu, một số cơ quan của 2 bên đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường, làm tiền đề cho những dự án hợp tác quan trọng.
Vào thời điểm tháng 8/2012, dự án hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ“Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” chính thức được triển khai. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 60 tỷ đồng, nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ khoảng 110 triệu USD. Dự án là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, giúp cải thiện môi trường sống an toàn cho người dân địa phương.
Công nghệ xử lý khử hấp thu nhiệt được xác định là một trong những phương pháp có hiệu quả được áp dụng tại sân bay Đà Nẵng. Đây là một công nghệ xử lý dioxin cải tiến, áp dụng quy trình dẫn nhiệt và hút chân không để xử lý đất và bùn nhiễm dioxin. Đất và bùn ô nhiễm được làm nóng ở nhiệt độ cao để phân hủy dioxin. Hệ thống xử lý được kiểm soát đảm bảo không để dioxin hoặc các ô nhiễm khác phát tán ra môi trường.
Đến quý 4 năm 2018, dự án đã chính thức hoàn thành toàn bộ, với 32,4 ha đất sạch được bàn giao, phục vụ hiệu quả cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, trong đó, có nhiều công trình phục vụ cho Hội nghị cấp cao APEC 2017. Dự án hoàn thành đã cho thấy, làm sạch dioxin là cả một quá trình dài, ngoài quyết tâm còn cần rất nhiều nguồn lực.
Nếu dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng từng là một trong những dự án xử lý dioxin lớn nhất trên thế giới, thì dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa sẽ lớn hơn rất nhiều và cần tối thiểu 10 năm để hoàn tất.
Vào tháng 4 vừa qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa - điểm ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam.
Trước đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) tiến hành đánh giá môi trường tại sân bay Biên Hòa - nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, làm cơ sở đề xuất giải pháp xử lý ô nhiễm. Kết quả cho thấy, diện tích ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa ước tính khoảng 52ha. Tổng thể tích đất và trầm tích nhiễm dioxin khoảng 500.000 mét khối, gấp khoảng bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng. Theo ước tính của các cơ quan chức năng Việt Nam và Hoa Kỳ, chi phí xử lý cần trên 390 triệu đôla Mỹ, tùy thuộc vào mức độ, yêu cầu xử lý và quy hoạch sử dụng đất. Phát biểu tại lễ khởi động, Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Dự án xử lý chất độc dioxin khu vực sân bay Biên Hòa, có thể khẳng định là một trong những dự án có quy mô lớn nhất thế giới về xử lý chất độc hóa học/dioxin. Và vì thế dự án sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn về lựa chọn công nghệ, nguồn vốn, để xử lý triệt để, bảo đảm an toàn đối với con người, môi trường. Tuy nhiên, với nỗ lực của hai phía Việt Nam, Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm từ dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng chúng tôi tin tưởng dự án sẽ thành công.”
Cũng tại buổi lễ, Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ PATRICK LEAHY đã chia sẻ nhiều điều tâm huyết và ý nghĩa về công tác khắc phục hậu quả chất da cam tại Việt Nam, ông cho biết “Mọi người chúng ta đều có thể tự hào về cách Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác để vượt qua quá khứ, và những cam kết để lại những điều tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Đó là hoà bình, cơ hội hợp tác, và tình hữu nghị”
Nỗ lực thực hiện dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Sau khi khởi động dự án, hơn 52 héc-ta đất bị nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà sẽ dần được xử lý bằng những phương án phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn cho con người và môi trường xung quanh.
Một bước tiến trong hợp tác khắc phục hậu quả chất da cam đối với con người, đó là vào ngày 20/4/2019 tại Biên Hòa, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) đã ký bản ghi nhận ý định về hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam, Dự kiến sẽ thực hiện ở 7 tỉnh ưu tiên là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh. Hai bên tổ chức hợp tác nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế, phục hồi chức năng, chỉnh hình, các dịch vụ xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo đảm hòa nhập xã hội cho người khuyết tật ở tại các tỉnh này.
Nhiều năm qua, công tác chăm sóc và phục hồi sức khỏe của nạn nhân luôn được Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Quốc phòng quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiện, có khoảng 350 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Nhiều trung tâm nuôi dưỡng, giải độc, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam được xây dựng và đi vào hoạt động trở thành ngôi nhà chung để các nạn nhân được chăm sóc, phục hồi sức khỏe… Tuy nhiên, tới thời điểm này, một khoảng trống trong hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất da cam là hàng chục nghìn các cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3 vẫn chưa có chế độ trợ cấp…Chia sẻ đôi điều ngắn gọn về công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân da cam, Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho hay: “Gần 15 năm hoạt động, chúng tôi cũng đã vận động được khoảng 2 nghìn tỷ đồng để giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam trên các mặt hỗ trợ về sửa chữa nhà ở, hỗ trợ về giúp đỡ công ăn việc làm, hỗ trợ để cho con cái họ được học hành, được khám chữa bệnh. Hướng tới, chúng tôi tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân, chúng tôi cung cấp cho họ những đối tượng cần sự giúp đỡ để cho những tổ chức cá nhân người ta đến giúp đỡ các nạn nhân, đồng thời chúng tôi kiến nghị với Đảng, Nhà nước xem xét, sửa đổi những chính sách để phục vụ cho nạn nhân chất độc da cam là những người tham gia kháng chiến, người có công với đất nước chúng ta.”
Phát huy truyền thống “Đoàn kết- Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam” thời gian tới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác đề xuất với Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, đảng, chính quyền các cấp về những vấn đề liên quan tới nạn nhân chất độc da cam. Tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, đồng thời nỗ lực vận động các nguồn lực, chung tay chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân da cam và người thân của họ.
(Theo TC DCVN)