Trong ngày: 1
Trong tuần: 474
Lượt truy cập: 268513
Tổ chức và hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin ở tỉnh Phú Thọ:
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Hội NNCĐDC/dioxin) tỉnh Phú Thọ thành lập năm 2006. Không ngừng xây dựng tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động, Hội phối hợp với các đoàn thể, tập hợp các lực lượng xã hội làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ NN, góp phần ổn định kinh tế- xã hội của tỉnh.
Những kết quả đạt được…
Sau 14 năm hoạt động, tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin ở Phú Thọ đã được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở, làm nòng cốt trong công tác quản lý; vận động giúp đỡ, chăm sóc NN; đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2019, dưới hội cấp tỉnh đã thành lập 13 hội cấp huyện và 269 hội, chi hội cấp xã.
Đ.c Phạm Ngọc Quỳnh- Chủ tịch Tỉnh hội thăm và tặng quà gia đình có 2 nạn nhân ở xã Phú Lộc huyện Phù Ninh.
Để hoàn chỉnh pháp nhân và tăng tính chủ động trong hoạt động, theo sự chỉ đạo của Trung ương Hội, Phú Thọ tích cực triển khai việc chuyển đổi mô hình tổ chức từ chi hội thành hội cơ sở. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 58 chi hội chuyển đổi thành hội cơ sở. Trong đó, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, huyện Cẩm Khê, huyện Hạ Hòa có 100% chi hội có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi.
Từ sau đại hội nhiệm kỳ gần đây nhất đến nay, đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh và cấp huyện tương đối ổn định với 4 cán bộ Tỉnh hội, 40 cán bộ Huyện hội; phần lớn là cựu chiến binh, công chức, viên chức hưu trí là NNCĐDC/dioxin. Cán bộ hội cấp cơ sở có 542 người, đều là NNCĐDC/dioxin. Hội đã đoàn kết, tập hợp 5.994 nạn nhân và người tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả CĐDC/dioxin.
Phát huy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cấp hội NNCĐDC/dioxin trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả CĐHH mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động Hội và công tác khắc phục hậu quả chiến tranh; chăm sóc, giúp đỡ những người trực tiếp hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con, cháu của họ bị ảnh hưởngCĐDC; quan tâm công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội, xây dựng quỹ vì NN, vận động các lực lượng xã hội “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, giúp các NN và gia đình họ có đời sống vật chất và tinh thần tương đương và cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư địa phương. Cùng với các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội của Trung ương; với sự tham mưu của Hội, Tỉnh ủy Phú Thọ có Thông tri về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin; văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 17 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng. UBND tỉnh Phú Thọ có kế hoạch cụ thể về công tác khắc phục hậu quả CĐHH mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Các cơ quan của UBND tỉnh như Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp công tác Hội. Tỉnh Hội chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội CCB tỉnh, Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh…ký kết và thực hiện các chương trình chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin...
Các nhóm thiện nguyện tham gia cùng Hội chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ở Việt Trì.
Coi trọng công tác tuyên truyền, cùng với phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí của tỉnh; Hội đã xây dựng và duy trì Trang thông tin điện tử, thường xuyên cập nhật các văn bản, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Trung ương về công tác Hội, phản ánh kịp thời việc xây dựng tổ chức Hội và hoạt động chăm sóc NN; nêu gương các tập thể, cá nhân “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” và những NN, gia đình NN vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và đóng góp cho xã hội... Đến nay, trang thông tin đã có số lượng lượt truy cập đáng kể, thực sự trở thành diễn đàn công tác Hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của NN.
Với việc tham mưu cho UBND tỉnh cho phép thành lập Quỹ NNCĐDC/dioxin, công nhận Điều lệ và Hội đồng quản lý Quỹ, hàng năm Tỉnh hội đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, đảm bảo chân Quỹluôn có số dư 1 tỷ đồng trở lên;cùng với cấp huyện và cơ sở tổ chức tặng quà NN vào dịp kỷ niệm Ngày Thảm họa da cam (10/8) và dịp Tết nguyên đán hàng năm, với tổng giá trị mỗi năm từ 3-4 tỷ đồng. Cùng với thăm hỏi, trợ cấp đột xuất khi NN ốm đau, hoạn nạn; các cấp Hội chú ý vận động các nguồn lực từ cộng đồng để giúp làm nhà ở, tạo sinh kế lâu dài cho NN. Trong 5 năm gần đây đã có 157 hội viên được giúp đỡ sửa chữa và làm mới nhà ở; cho vay không lãi suất gần 1,4 tỷ đồng làm vốn phát triển sản xuất; khám và cấp thuốc cho gần 3.600 lượt NN; trao 117 xe lăn cho NN gặp khó khăn đi lại…
Để có vốn, quỹ hoạt động, một số hội cấp huyện và cơ sở đẩy mạnh vận động xây dựng quỹ hội, quỹ chăm sóc NN. Với việc vận động hội viên đóng góp một khoản tiền nhất định, một số hội cơ sở ở các huyện Đoan Hùng, Lâm Thao…đã có quỹ hội hàng trăm triệu đồng; còn lại các hội cơ sở đều xây dựng được quỹ hội từ 40-50 triệu đồng, nơi thấp nhất cũng đạt từ 10-15 triệu. Ở nhiều nơi, quỹ hội dành cho hội viên vay để phát triển sản xuất, hoặc gửi tiết kiệm lấy lãi phục vụ các hoạt động của Hội…
Những nỗ lực của Hội NNCĐDC/dioxin các cấp ở Phú Thọ đã đóng góp vào đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chính sách người có công ở tỉnh.
…và những vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, về tổ chức và hoạt động của các cấp Hội NNCĐDC/dioxin ở Phú Thọ đang có một số vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, Hội tỉnh và 5 hội cấp huyện (thành lập trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 45.2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội) được xác định là hội đặc thù, ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm với mức: Cấp tỉnh được hỗ trợ tương đương 2 định biên, cấp huyện được hỗ trợ tương đương 1 định biên. Còn lại 8 hội huyện, thị xã thành lập sau khi có Nghị định 45 và hầu hết các hội, chi hội cơ sở không được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Đây là một bất bình đẳng trong hệ thống tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin ở tỉnh Phú Thọ. Cùng thực hiện nhiệm vụ, cùng trong một tổ chức Hội nhưng ra đời trước hoặc sau năm 2010 - năm ban hành Nghị định 45- mà được công nhận là “hội đặc thù” hoặc chỉ là “hội không đặc thù”; một bên được hỗ trợ kinh phí hoạt động, một bên phải tự chủ tài chính để giúp đỡ NN! Nhằm khắc phục bất hợp lý này, UBND tỉnh cũng đã có công văn hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã xem xét, bố trí hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách địa phương, bố trí nơi làm việc cho Hội NNCĐDC; nhưng kết quả vẫn tùy thuộc “hảo tâm” của lãnh đạo cơ sở! Ngoài huyện Thanh Thủy có hỗ trợ kinh phí, dù rất ít ỏi, cho huyện Hội và tất cả Hội cơ sở, còn các địa phương khác thì nơi có nơi không. Huyện nông thôn mới Lâm Thao có 14 hội cơ sở với 542 hội viên nhưng tất cả các hội cấp xã không được hỗ trợ, mà chỉ được cho phép vận động kinh phí để hội hoạt động; chỉ có 5xã, thị trấn bố trí nơi làm việc cho thường trực hội! Thị xã Phú Thọ tình trạng cũng tương tự Lâm Thao. Huyện Hạ Hòa có 20 hội cơ sở với 462 hội viên nhưng chỉ có 7 hội xã được bố trí địa điểm thường trực, huyện hội và 11 hội cấp xã được hỗ trợ kinh phí, còn lại phải “tự chủ”, thậm chí ở 8 xã (Lang Sơn, Bằng Giã, Văn Lang, Minh Côi, Minh Hạc, Đại Phạm, Gia Điền, Ấm Hạ) chính quyền không cho phép hội vận động! Thử hỏi như vậy thì lấy đâu ra nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ NN? Không có chế độ thù lao cho cán bộ Hội chính là chưa ghi nhận sự nhiệt tình cống hiến của họ, liệu họ có còn động lực để “vác tù và hàng tổng”?
Huyện hội Đoan Hùng tích cực triển khai xây dựng quỹ hội và tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Thứ hai, theo Nghị quyết số 828/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện; 225 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 52 đơn vị). Điều này cũng chi phối tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin ở cơ sở, có nghĩa là giảm 52 đầu mối hội/chi hội cơ sở, thay đổi nhân sự trong tổ chức Hội. Bên cạnh một số nơi, với sự tham mưu phối hợp của huyện hội và phòng nội vụ, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức hội đã hoàn thành và tạo được sự đồng thuận cao; nhưng một số nơi khác vẫn chưa thống nhất được tổ chức, bộ máy. Từ chỗ 2-3 xã sáp nhập lại, một số cán bộ hội dôi dư, đang trong tình trạng băn khoăn “ai tiếp tục làm, ai sẽ nghỉ”, quy mô tổ chức lớn hơn, địa bàn hoạt động rộng hơn mà số cán bộ Hội ít hơn… Đó là ở cấp cơ sở, còn ở cấp huyện, hiện nay, 12 hội có tổ chức độc lập, riêng huyện Tân Sơn bố trí Chủ tịch Hội chữ thập đỏ đồng thời là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin. Xét về hình thức là hai hội độc lập, nhưng thực chất hoạt động, hai hội là một, đều hướng đến việc giúp đỡ các đối tượng yếu thế của xã hội, trong đó có nạn nhân CĐDC/dioxin! Thời gian còn ngắn nên chưa thể đưa ra đánh giá khách quan về hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức này, nhưng có tình trạng một số nội dung công tác Hội NNCĐDC triển khai chưa kịp thời. Sự đan xen hoạt động của hai tổ chức còn thể hiện ở việc vận động nguồn lực trong xã hội. Ngoài Hội NNCĐDC/Dioxin, Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng tổ chức các vận động các chương trình như “làm nhà cho người nghèo và NNCĐDC”, “Tết vì người nghèo và NNCĐDC”, tạo nên sự chồng chéo và gây khó khăn cho Hội NNCĐDC trong huy động nguồn lực. Điều này ít nhiều cũng là trở ngại cho hoạt động Hội NNCĐDC và phong trào vận động chăm sóc, giúp đỡ NN!
Thứ ba, về thực hiện chế độ chính sách với nạn nhân. Tính đến tháng 12-2019, tỉnh Phú Thọ có 6.624 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trong đó 3.805 người hưởng theo chế độ người có công. Khi Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ sơ xác lập theo Quyết định 26/2000 và Quyết định số 120/2004 của Thủ tướng Chính phủ, phát hiện 771 trường hợp có sai sót hoặc có nghi vấn; trong đó 415 trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp, 01 trường hợp là cháu nội người HĐKC; 86 trường hợp con đẻ bị dị tật, dị dạng mức độ nhẹ, đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp, có thu nhập ổn định, được tham gia BHXH mà vẫn hưởng trợ cấp nạn nhân CĐDC! Đối với các hồ sơ xác lập theo Nghị định 54/2006 của Chính phủ, qua kiểm tra 1936 hồ sơ, phát hiện 174 trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp; trong đó có 173 trường hợp là con đẻ của người HĐKC tuy bị dị tật, khuyết tật nhưng mức độ nhẹ, còn khả năng lao động, đã lập gia đình và sinh con, có việc làm và thu nhập ổn định; 10 trường hợp kết quả giám định y khoa không đúng thực tế, có bệnh nhưng không nằm trong danh mục 17 loại bệnh liên quan đến CĐHH.
Thanh tra, kiểm tra là việc làm cần thiết để chế độ ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước được thực hiện đúng. Tuy nhiên, theo phản ánh từ cơ sở, khi xem xét các trường hợp, cơ quan thanh tra nên tiếp xúc đối tượng để tìm hiểu, đánh giá chính xác tình trạng bệnh tật, sức khỏe; trực tiếp tuyên truyền, giải thích để người từng được hưởng chế độ nhận thức được vấn đề, không thắc mắc, so bì, hoài nghi chính sách. Qua thanh, kiểm tra, những phát hiện liên quan đến việc xác nhận hồ sơ, hoàn thiện thủ tục trợ cấp không đúng của chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn… cũng cần được xử lý kịp thời, để đảm bảo công bằng xã hội, để chính sách của Nhà nước không bị trục lợi. CĐHH không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người tham gia HĐKC mà di chứng của nó còn ảnh hưởng đến con, cháu của họ. Thay thế trợ cấp xã hội, mong rẳng Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thỏa đáng những người thật sự bị ảnh hưởng tới sức khỏe, giúp họ vơi bớt khó khăn và thấy được những hy sinh, đóng góp của cha ông cho kháng chiến được ghi nhận.
*
* *
Tại Thông báo Kết luận số 292-TB/TW ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội NNCĐDC/Dioxinđược xác định “là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội được Đảng, Nhà nước giao”; là tổ chức được thành lập nhằm góp phần khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam! Đó là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội và khoa học. Tên gọi của Hội cũng đã nói lên điều đó và là lời tố cáo cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm, trong đó có 10 năm Mỹ sử dụng CĐHH với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, để lại hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, cũng là tiếng nói thức tỉnh kêu gọi cộng đồng và bè bạn quốc tế cùng nhau khắc phục hậu quả, giúp đỡ NNCĐDC. Hội NNCĐDC/Dioxincác cấp được thành lập và hoạt động với nhiệm vụ cơ bản xuyên suốt là: Vận động nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC. Hội không chỉ thực hiện nhiệm vụ đối nội mà còn làm nhiệm vụ đối ngoại nhân dân trong tình hình quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển trên tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh, và vấn đề da cam là “rào cản cuối cùng” trong quan hệ Việt - Mỹ. Hội bao gồm những người HĐKC bị nhiễm CĐHH, con đẻ của họ, những người bị phơi nhiễm bởi CĐHH và những người hết lòng vì NNCĐDC. Vì vậy, hoạt động của Hội vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người có công, vừa phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân” đối với nhân dân ở nơi bị phơi nhiễm CĐHH.
Trung tướng Nguyễn Thế Lực- Phó chủ tịch Hội NNCĐ DC/dioxin Việt Nam thăm và làm việc với Tỉnh hội.
Mang tính chính trị và nhân văn sâu sắc, Hội không thuần túy chỉ là “tổ chức tự nguyện của của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới…” như quy định tại Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, mà còn hướng đến việc tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh; là đối tác của các tổ chức nhân đạo quốc tế tham gia đấu tranh vì công lý, đòi các công ty hóa chất Mỹ bồi thường cho các NN ở Việt Nam; Hội được giao tham gia thực hiện chính sách người có công, góp phần đảm bảo an sinh xã hội để phát triển đất nước. Do vậy, Hội cần được giúp đỡ và tạo điều kiện hoạt động, chí ít là hỗ trợ các chi phí hành chính tối thiểu và một phần thù lao cho những người “vác tù và hàng tổng” để họ không có cảm giác đơn độc, bị bỏ rơi trong hành trình làm việc thiện.
Nguyễn Sản
PCT Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Phú Thọ
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC