Trong ngày: 11
Trong tuần: 482
Lượt truy cập: 268523
Ngày 10/7, Chủ tịch Hội NNCĐ DC/DIOXIN Việt nam đã ký thông báo số 206/TB-TWH về kết quả kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Toàn văn Thông báo như sau:
THÔNG BÁO
Kết quả kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 43
của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Tỉnh Phú Thọ
Kính gửi: Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ
Căn cứ Công văn số 3068-CV/BDVTW ngày 26/3/2020 của Ban Dân vận Trung ương về việc giao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” (Chỉ thị số 43-CT/TW), báo cáo Ban Bí thư và Ban Dân vận Trung ương. Ngày 6/7/2020, Thường trực TW Hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổ chức đoàn cán bộ đi khảo sát, nắm tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW tại Tỉnh Phú Thọ. Đoàn kiểm tra đã làm việc với đại diện UBND tỉnh (đồng chí Phó Giám đốc Sở Nội vụ), đại diện lãnh đạo Ban Dân vận tỉnh ủy; Văn phòng tỉnh ủy; lãnh đạo các sở: Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội; Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Phú Thọ. Sau khi nghe báo cáo của tỉnh ủy và thảo luận của các đại biểu dự hội nghị về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 43 tại địa phương, Đoàn kiểm tra đã thống nhất kết luận những việc đã làm được, những việc còn hạn chế và đề nghị một số nội dung cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Thường trực Trung ương Hội xin thông báo kết quả kiểm tra đến Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ như sau:
1- Về kết quả thực hiện Chỉ thị 43
- Những việc đã làm được
- Về quán triệt, triển khai chỉ thị: trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW của Ban Bí thư (2015-2020), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất việc thực hiện Chỉ thị số 43 trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quán triệt và tuyên truyền nội dung Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, tầng lớp Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc phát động phong trào vận động ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; Hội
NNCĐDC/dioxin tổ chức các hoạt động như quán triệt ở Hội nghị Ban Chấp Tỉnh hội hành mở rộng và phối hợp với các cơ quan Truyền thông có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quán triệt vào các ngày thảm họa da cam tại Việt Nam.
- Về việc thực hiện chính sách: đối với người có công nói chung và nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng, Tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm mọi chế độ, chính sách được đến tay nạn nhân. Tỉnh Hội đã chủ động ký chương trình phối hợp hoạt động với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan để vận động các nguồn lực tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tốt hơn. Đồng thời thông qua đó vinh danh những tấm lòng vàng nhân ái vì nạn nhân. Trong 5 năm (2015-2020), toàn tỉnh đã chi thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân với số tiền 18.323.968.000 đã thể hiện sâu sắc sự quan tâm của tỉnh đối với hoạt động của Tỉnh Hội và nạn nhân trong tỉnh.
- Về xây dựng tổ chức hội: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Thọ, được thành lập ở cả 03 cấp: Hội cấp tỉnh, Hội cấp huyện (thành phố, thị xã), Hội xã (phường, thị trấn) và Chi hội ở thôn, xóm, tổ dân phố. Nhìn chung hoạt động của hội các cấp trong tỉnh từ khi có Chỉ thị số 43 đến nay, hoạt động đều có nền nếp; hội luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo mọi điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
1.2- Hạn chế, khuyết điểm
- Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Chỉ thị số 27-CT/TU của tỉnh ủy, ở một số nơi chưa kịp thời; do vậy, kết quả công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là việc hỗ trợ đời sống và nhà ở.
- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam có lúc chưa thường xuyên và chặt chẽ. Việc xác nhận chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học còn có những vướng mắc về hồ sơ, thủ tục xác nhận, do đó còn có tâm trạng, tư tưởng không phấn khởi trong đối tượng là người có công tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của tỉnh.
- Công tác xây dựng Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác hội, năng lực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách cho nạn nhân có mặt còn hạn chế.
2- Một số nội dung tiếp tục triển khai
Để tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW, trong thời gian tới, đề nghị với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ban, ngành, đoàn
thể trong tỉnh, phối hợp chặt chẽ với Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
- Đề nghị tỉnh ủy quan tâm hơn nữa đến lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư ngày 14/5/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam"; vì thực tế hiện nay, một số cấp ủy cơ sở thực hiện việc này chưa tốt.Thường trực tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ban Dân vận chủ trì, chỉ đạo các ban, ngành và Hội NNCĐ/dioxin tỉnh tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW nhằm đánh giá những mặt làm được, những chuyển biến tiến bộ từ khi thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW đến nay; chỉ rõ hạn chế khuyết điểm và nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW trong 5 năm qua.
- Trong công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân và gia đình trong tỉnh còn có sự chồng chéo về nhiệm vụ và quản lý Quỹ nạn nhân chất độc da cam giữa Hội Chữ thập đỏ và Hội NNCĐ da cam/dioxin; đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thống nhất, khắc phục sự chồng chéo nói trên.
- Về công tác xây dựng hội, đề nghị Thường trực tinh ủy quan tâm chỉ đạo triển khai theo đúng tinh thần Công văn số 158/TB/KL ngày 02/01/2020 Thông báo Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong tình hình mới. Trước mắt, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo Hội triển khai các hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam vào năm 2021 như Công văn số 12440 ngày 02/7/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng, thông báo ý kiến của đồng chí Thường trực Ban Bí thư về hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam.
Đối với những kiến nghị trong báo cáo của tỉnh ủy và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị, Đoàn công tác xin ghi nhận và tổng hợp đầy đủ để báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước.
Xin trân trọng cám ơn!
Nơi nhận: - Như trên; - Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Thọ; - Ban Dân vận tỉnh ủy Phú Thọ; - Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh Phú Thọ; - Vụ đoàn thể/Ban DVTW; - Cục người có công/Bộ LĐ-TB-XH; - Lưu VT; TC-CS (07b.Đ). | CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Rinh (đã ký) |
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC