Đang truy cập: 15
Trong ngày: 200
Trong tuần: 623
Lượt truy cập: 268804

CÂU CHUYỆN NHỎ VỀ SỰ ÁM ẢNH

Tình cờ được giao chương trình đi đưa tin về hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8. Với tôi, đây là một hành trình ý nghĩa để thêm thấu hiểu, cảm thông, trân trọng và yêu thương những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các vùng mà Mỹ rải chất độc màu da cam, để giờ đây, không chỉ họ mà đến cả thế hệ thứ hai, thứ ba cũng đang phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của thứ hóa chất giết người!

img_20200811_112712

img20200810083640

Một số hình ảnh tặng quà cho nạn nhân ở huyện Đoan Hùng, ngày 10/8

Trước đây, tôi chỉ biết đến những ảnh hưởng của chất độc da cam qua những trang sách, những bài báo, những phóng sự truyền hình. Khi tôi chia sẻ câu chuyện của Trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalt- con trai vị Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt - trong một cuốn sách đặc biệt về tinh thần bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam, mang tên “Chân trần, chí thép”, tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi chất độc da cam – thứ hóa chất diệt cỏ, diệt cây cối để tạo thuận lợi cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam - đó là thứ hóa chất mà đến cả người quyết định sử dụng nó cũng không biết đến tác hại của nó đối với con người. Để rồi, biết bao người cựu chiến binh dù lành lặn trở về mà không hay biết mình đang mang theo một quả bom hóa học nổ chậm trong người. Và khi “quả bom” đó điểm hỏa, đồng nghĩa với gieo rắc nỗi đau dai dẳng cho biết bao người…

Gần đây, khi bắt đầu công tác phóng viên, tôi đi nhiều hơn và được nghe nhiều hơn về những câu chuyện của những người cựu chiến binh - những câu chuyện mà thế hệ cha ông đi trước đã phải đương đầu, đã phải trải qua khó khăn, ác liệt như thế nào trong cuộc chiến, và cả những câu chuyện về cuộc sống hiện tại của họ… Có những câu chuyện cứ ám ảnh tôi, buộc tôi phải đi, phải tìm hiểu, và câu chuyện về nỗi đau da cam là một trong số những ám ảnh đó.

Sáu giờ sáng đúng ngày kỷ niệm 59 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, xe của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chúng tôi tại cổng Đài. Vì việc gia đình tôi chẳng thể đến sớm hơn những cũng nhất định không muộn hơn để mọi người phải đợi… Quãng đường di chuyển, tôi được nghe nhiều câu chuyện, nhưng dường như tôi không để ý lắm…bởi đang nghĩ về những điều mình sắp được chứng kiến. Nó sẽ như thế nào? Có giống những điều tôi thấy trên phim ảnh, giống những điều như cuốn sách mô tả?

Người đầu tiên tôi gặp khi đến Đoan Hùng là bác Tô Hòa- Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện. Trong trang phục quân nhân, dáng đi tập tễnh không vững, ở người chiến sĩ năm xưa vẫn toát lên thần thái của một chiến binh Bộ đội Cụ Hồ và thêm một lần nữa, tôi lại như bị hút vào màu xanh áo lính… Bác Hòa đưa chúng tôi đến từng nhà, từng hoàn cảnh, trò chuyện với các nạn nhân cởi mở, chân tình.  Tiếp xúc với bác, tôi nhận ra, ẩn trong dáng người thương binh bước đi tập tễnh kia, dưới làn da bạch biến vì chất độc màu da cam kia, là một ý chí, nghị lực đáng trọng; thể hiện đầy đủ tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia của người đứng đầu tổ chức Hội của những người bị ảnh hưởng bới chất độc da cam với hội viên là đồng đội và con, cháu của họ.

Bác dẫn chúng tôi đến thăm một trường hợp phải nằm liệt 20 năm do di chứng chất độc da cam ở thông Lã Hoàng 2 xã Chí Đám. Lúc trên xe bác kể, gia đình bên nội đều khỏe mạnh, nhưng bé này bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông ngoại qua mẹ của mình…Nghe đến đây, tôi cứ bàng hoàng với bao nhiêu câu hỏi: Liệu trước đó bên nội cô bé có biết ông ngoại nhiễm chất độc da cam? Liệu mẹ bé có biết trong máu mình có chất độc hóa học? Khi sinh bé ra, người mẹ phải đối diện với nhà chồng như thế nào? Giải thích với nhà chồng ra sao để cho ông bà hiểu và thông cảm? Chiếc xe chạy quanh co để tìm đường vào, lòng tôi cũng quanh co bởi những suy nghĩ riêng mình…

Xe dừng trước căn nhà cấp 4 đơn sơ, có rất nhiều cây xanh bao quanh. Vừa bước vào sân, tôi đã thấy ngay hình ảnh một cháu bé khèo chân, khòe tay nằm trên nửa cái chiều đôi ngay giữa nhà. Một người phụ nữ bước ra, theo phép lịch sự, chị kéo con nằm gọn lại. Chị bảo: -20 tuổi rồi đấy cô ạ, vậy mà không biết có nổi chục cân không? Nắm tay con, chị nói với con giọng trĩu buồn: “Bạn bè cùng lứa thì học hành xong, đi làm công nhân cả rồi đấy cô gái ạ”… Ba âm tiết “cô gái ạ….” của chị làm tôi bàng hoàng! Thực ra, thi thoảng mẹ tôi cũng nói tôi như vậy, nói vui, nói yêu thôi. Khi làm mẹ của một cô con gái chưa tròn 1 tuổi, tôi cũng hay nói như vậy…Lời nói để thể hiện lòng yêu thương với con, thể hiện niềm tự hào hãnh diện của người được làm mẹ. Ở đây, sau câu nói của chị, đứa con nằm chiếu cố ngước cổ về phía mẹ, em hị…hị…vài tiếng, nghe như từ cõi xa xăm. Vừa bóp chân cho con, chị bảo: -Nó cười đấy cô ạ, vui đấy, vì biết mẹ trêu đùa. Nó chỉ biết cười, biết vui thôi, chứ không biết buồn đâu! Nắm tay cô con gái tuổi hai mươi mà chỉ có da bọc xương, tôi hỏi: - Chị ơi, ông bà nội cháu ở gần đây không ạ? Khi sinh cháu, chị đã vượt qua những thị phi, định kiến như thế nào?

 Như tìm được người đồng cảm, chị kể: Anh chị lấy nhau mấy năm rồi mới sinh cháu. Rất đau đớn, nhưng ngày đó muốn đi chạy chữa cũng chả có tiền, nên đành kệ. Khi chị có thai, cả nhà mừng lắm, thời trước công nghệ kém, đi khám thai cũng chả phát hiện điều gì bất thường. Chị sinh cháu, lúc đầu bé cũng bình thường, ba bốn tháng vẫn cứ nằm im, không lật, lẫy gì, rồi chân tay nó dần dần co quắp lại, đan vào nhau như thế. Bà nội cứ ôm bé mà khóc. Chị cũng vậy… Mãi sau chị mới nghĩ đến bố chị và nghĩ đến chất độc da cam mà bố bị nhiễm khi chiến đấu ở miền Nam. Nhưng biết thì cũng chỉ biết vậy thôi, chứ chị không dám nói với ai cả. Mấy năm sau, mẹ chồng cứ giục anh chị sinh thêm, chị ngần ngại, vì sợ em lại giống chị. Bà cứ thúc mãi, giục mãi, cuối cùng chả còn cách nào, chị phải nói thật với bà: - Mẹ ơi, hình như con bị nhiễm chất độc da cam từ bố con nên cháu mới bị như vậy…Con không muốn… Thật bất ngờ, bà nắm tay chị ân cần: Mẹ biết rồi, nhưng con cố và vững tin lên, biết đâu… Vậy đấy, bà cho chị niềm tin, cho chị nghị lực để tiếp tục cho chị cuộc sống sau này. Bà còn cho chị cả tình yêu, sự cảm thông với những nỗi đau mà chị và gia đình chị mắc phải. Nhờ sự động viên của bà mà anh chị có 2 cháu trai sau này lành lặn, phát triển bình thường…

Câu chuyện của tôi và chị bị ngắt quãng khi một chú trong đoàn nhắc mọi người chuẩn bị tiếp tục hành trình. Nắm tay chị thật chặt, tôi chúc anh chị và các cháu luôn mạnh khỏe. Chúc cho gia đình nhỏ luôn đủ niềm tin, đủ tình yêu thương trong cuộc đời này.

Chiều muộn, khi tôi trở về nhà, cô con gái nhỏ lại lon ton chạy ra mở cửa. Tôi ôm con vào lòng để hít hà…nó cười rúc rích với vẻ mặt hạnh phúc… Nó đấy, mới 1 tuổi thôi, chả cần gì, chỉ cần ôm ấp, âu yếm…Tôi chợt nghĩ, ai trong cuộc sống này cũng vậy, đôi khi chỉ cần được tin yêu, chia sẻ từ trái tim là đủ!


img_20200811_152207

Bìa cuốn sách

img_20200811_173915

Sau mấy lần tai biến, giờ đây sức khỏe ông Tô Hòa yếu nhiều, đi lại cũng khó khăn hơn.

fb_img_1597119394712

Phóng viên Kim Hoan của Đài PTTH Phú Thọ

Sống trong cuộc đời, ai cũng đã từng có những niềm vui nỗi buồn. Sẽ là rất hạnh phúc khi cả niểm vui và nỗi buồn được sẻ chia và cảm thấu. Cũng như vậy, nỗi đau da cam sẽ vợi đi khi các nạn nhân được xã hội yêu thương, những đóng góp của chính họ hay cha ông họ cho đất nước được ghi nhận. Hơn ai hết, chính những người công tác hội nạn nhân chất độc da cam, sự ân cần qua mỗi cử chỉ, lời nói của ông Phó Chủ tịch Tỉnh hội, ông Chủ tịch Huyện hội Đoan Hùng và những cán bộ Hội mà tôi gặp, đủ cho thấy, ở "mái nhà chung" của các nạn nhân chất độc da cam cần có những người thành tâm, nhiệt huyết đến chừng nào!

Xin lấy ý tác giả “Chân trần, chí thép”- rằng sự cảm thông và yêu thương tạo nên ý chí, quyết tâm đủ để người Việt Nam vượt qua tất cả để đánh Mỹ và thắng Mỹ, để khép lại câu chuyện nhỏ của tôi, và từ đây những phóng viên trẻ như tôi có thêm xúc cảm để nhen nhóm ý tưởng cho những tác phẩm báo chí của mình về một đề tài rất đáng quan tâm: Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

BÙI KIM HOAN

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng


Tên sản phẩm 1
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 2
 
liên hệ
Tên sản phẩm 3
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 4
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 5
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 6
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 7
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 8
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 9
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 10
 
990.000 VND

HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ

Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn

Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC