Trong ngày: 115
Trong tuần: 557
Lượt truy cập: 268704
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; trong đó, 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân. Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) là những người nghèo nhất trong những người nghèo; đau khổ nhất trong những người đau khổ. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC, nhưng do tính chất đặc biệt nguy hiểm, phức tạp của loại chất cực độc này nên hậu quả còn rất nặng nề. Vì vậy, tiếp tục giải quyết hậu quả và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC là nhiệm vụ quan trọng, là lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng xã hội và cả nhân loại.
Để giúp bạn đọc tham khảo, nghiên cứu có tính hệ thống về chủ đề trên, Tạp chí Da cam Việt Nam từ số 8 đến số 11/2019 sẽ đăng chùm bài viết của tác giả: Trần Đình - Mạnh Dũng
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
I-THẢM HỌA CHẤT ĐỘC HÓA HỌC (1961 - 1971)
Mưu đồ đen tối
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) của quân và dân ta đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tuy nhiên, với âm mưu xâm lược nước ta, Mỹ đã lợi dụng cơ hội này để can thiệp vào miền Nam, nhằm biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Từ năm 1954 đến năm 1960, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa 7 tỷ đô la, trong đó 1,5 tỷ là viện trợ quân sự. Đáng lưu ý là, ngay từ năm 1959, tận dụng thành tựu của các nghiên cứu về chất hóa học diệt cỏ (2-4 - D và 2-4-5 - T), Bộ Quốc phòng Mỹ đã chủ trương phát triển chất diệt cỏ này thành một vũ khí quân sự và quyết định xây dựng phương án sử dụng hóa chất này tại miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ “Chương trình sử dụng chất diệt cỏ ở Đông Nam Á”.
Cuối năm 1960, Tổng thống John F. Kennedy chấp thuận khuyến nghị của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao về sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh và triển khai Chiến dịch Khai quang, phá hủy hoa màu (Operation Ranch Hand) tại Việt Nam. Theo đó, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về sử dụng hóa chất vào mục đích khai quang, làm rụng lá cây tại một số khu vực ở miền Nam Việt Nam. Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã ban hành Chỉ thị về “Công tác diệt trừ cây cỏ”. Năm 1961, Mỹ bắt đầu triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Việt Nam; đồng thời, đây cũng là năm đánh dấu sự kiện quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam. Ngày 30/2/1961, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã thành lập Trung tâm Thực nghiệm và Phát triển khả năng tác chiến, với nhiệm vụ là: dự toán, tiếp nhận, quản lý, cấp phát hóa chất, một số loại phương tiện phun rải và đánh giá hiệu quả của hóa chất diệt cỏ. Trên cơ sở kế hoạch của Chiến dịch Ranch Hand, Trung tâm này đã xây dựng Kế hoạch 202 (khai quang, phá hủy hoa màu). Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (ngày 11/5/1961), Tổng thống John F. Kennedy tái khẳng định mục tiêu của Mỹ tại Việt Nam và chuẩn y 5 hành động bổ sung cần thiết, trong đó có chủ trương sử dụng chất diệt cỏ, khai quang làm rụng lá cây. Mục đích sử dụng hóa chất diệt cây cỏ được xác định là: (1) Làm trụi lá cây ở những vùng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát. Phát hiện đường giao thông, các căn cứ của quân Giải phóng để tiến hành các cuộc tập kích. (2) Phá hoại mùa màng, cắt đường cung cấp thực phẩm tại chỗ của du kích và quân Giải phóng, ngăn cản việc thành lập các khu quân sự của đối phương. (3) Làm trụi lá cây, tạo vành đai trắng bảo vệ xung quanh các căn cứ quân sự, các đường vận chuyển và kho dự trữ của quân đội Mỹ và đồng minh, nhằm phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công của lực lượng cách mạng. Theo đó, từ tháng 7/1961, một số lượng lớn hóa chất diệt cây cỏ được chuyển vào miền Nam Việt Nam qua đường hàng không và đường hàng hải. Số hóa chất độc hại này được tàng trữ chủ yếu tại các sân bay quân sự, như: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Đà Nẵng và cất giữ tạm thời với số lượng hạn chế ở các sân bay: Phù Cát, Nha Trang và Tuy Hòa v.v.
Từ thí nghiệm đến mở rộng các vùng phun rải hóa chất diệt cỏ.
Ngày 8/8/1961, trong cuộc họp tại Kon Tum, Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) đã đồng ý chấp thuận chọn quận Đắc Tô là khu vực thí điểm phun rải chất diệt cây cỏ chiến thuật (tactical herbicides). Sau 2 ngày chuẩn bị, ngày 10/8/1961, phi vụ phun rải thí điểm chính thức được tiến hành dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắc Tô. Đây là chuyến bay phun rải chất độc hóa học đầu tiên của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Cũng chỉ ít ngày sau đó, vụ phun rải thí điểm thứ hai cũng được tiến hành tại Kon Tum. Trong đợt này, chất Trinoxol được phun rải lên khu vực trồng khoai lang, sắn, chuối và cỏ tranh; kết quả, sau 2 giờ, tất cả các loài thảo mộc này đều bị héo rũ. Tiếp đó, nhiều cuộc thí nghiệm khác được tiến hành; không chỉ thí nghiệm trên các loại cây cỏ khác nhau, mà còn thí nghiệm các chiến thuật phun rải khác nhau, các thủ tục bơm hóa chất lên máy bay, các loại trang thiết bị, việc xác lập thủ tục chọn mục tiêu, phê chuẩn phi vụ phun rải và huấn luyện phi công của quân đội Việt Nam Cộng hòa, v.v.
Từ các cuộc thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của Mỹ còn rút ra kết luận là: với tỷ lệ 50/50, hỗn hợp hai chất diệt cỏ 2,4-D và 2,4,5-T có hiệu quả cao nhất - đó chính là chất da cam (agent orange) trong đó có chứa dioxin - chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến. Với liều lượng 1 picogram dioxin (1 phần nghìn tỷ gam) có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người, vài chục nanôgam (1 phần tỷ gam) có thể lập tức gây chết người, đặc biệt chất độc da cam di truyền xuyên thế hệ.
Đáng chú ý là, ngay từ thời Tổng thống Kenedy, các quan chức Mỹ đã biết rõ sự tác động nguy hiểm của loại hóa chất này đối với cơ thể con người. Nhưng vì mục tiêu “chống cộng” nên Mỹ cố tình bỏ qua và tìm mọi cách che giấu hành động của mình. Các máy bay phun rải (của Không lực Hoa Kỳ) làm nhiệm vụ này đều được sơn cờ 3 sọc của Việt Nam Cộng hòa; phi công phải mặc thường phục, v.v.. Bên cạnh đó, chính quyền Sài Gòn cũng tìm mọi cách bưng bít sự thật, tuyên truyền, lừa bịp đồng bào ta, rằng: các chất này không gây tác hại gì cho sức khỏe con người.
Sau những cuộc thí nghiệm phun rải hóa chất được Mỹ đánh giá là “đạt kết quả thuận lợi”, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã chuyển sang giai đoạn mới: mở rộng địa bàn phun rải. Trung tâm Thực nghiệm và Phát triển khả năng tác chiến đã soạn thảo một kế hoạch tác chiến hóa học trên quy mô lớn, gồm: Biên giới Việt Nam với Lào, Cam-pu-chia, vùng Tây Nguyên; Chiến khu D; các khu rừng ngập mặn, các khu vực nghi ngờ có quân Giải phóng trú ẩn, v.v.. Theo đó, mật độ các cuộc phun rải hóa chất diệt cây cỏ cũng không ngừng tăng lên; cùng với đó là sự ra đời nhiều loại hóa chất mới. Ngày 15/8/1961, tại phía tây huyện Hàm Thuận (tỉnh Bình Thuận) không quân Mỹ đã phun rải hóa chất được chế tạo ở dạng bột, khi rơi xuống, hóa chất này tỏa ra như sương mù, nhanh chóng hủy hoại mùa màng của nông dân.
Ngày 24/8/1961, lần đầu tiên máy bay của quân lực Việt Nam Cộng hòa tham gia phun rải hóa chất dọc theo quốc lộ 13 ở phía bắc Sài Gòn với chiều dài gần 80 km. Đây là mục tiêu do đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm lựa chọn. Ở huyện Châu Thành (tỉnh Bình Long), sau khi 3 chiếc máy bay Mỹ phun rải chất độc hóa học, nhiều người bị đau đầu dữ dội và khó thở, nhiều gia súc bị chết hoặc ốm; cây ăn quả và cây lương thực bị héo rũ, chết khô.
Các chiến thuật phun rải cũng được nghiên cứu đổi mới. Các máy bay phun rải không chỉ bay ban ngày mà còn tổ chức bay vào ban đêm, nhằm tránh tổn thất do phòng không của quân Giải phóng; phương tiện phun rải không chỉ là các loại máy bay (C.123, phản lực F4E, trực thăng,…) mà còn đặt máy phun Buffalo turbine trên ô tô, tàu hỏa để phun rải; nhiều khu vực không chỉ bị phun rải một lần mà còn bị phun rải nhiều lần; không chỉ phun rải ở Việt Nam mà còn phun rải ở Lào, Cam-pu-chia. Nguy hiểm hơn, chất độc hóa học không chỉ dùng để phá hoại hoa màu, tàn phá các khu rừng, mà còn dùng để giải tán các đoàn biểu tình. Ngày 3/6/1963, trước hàng ngàn người biểu tình tại Huế, quân đội và cảnh sát của chính quyền Sài Gòn còn liều lĩnh phun hóa chất “màu nâu đỏ” vào đoàn biểu tình. Kết quả có 67 người phải nhập viện vì thương tích hóa học.
Chỉ tính riêng năm 1964 đã có 363 đợt phun rải hóa chất trên khoảng 15.215 ha hoa màu và 250 km đường bộ, đường xe lửa, ven kênh, rạch. Trong Dự án “Cáo đầm lầy” (1965) quân đội Mỹ đã sử dụng 77.600 lít hóa chất; chỉ trong ngày 17/12/1965 đã có 163 lượt chiếc máy bay phun rải. Năm 1966, Mỹ và đồng minh đã sử dụng hơn 5 triệu lít hóa chất diệt cây cỏ, phun rải lên khoảng 20.000 ha hoa màu và thảm thực vật. Để tạo thành vùng “trắng” ở những khu vực nghi ngờ quân Giải phóng trú ẩn, sau khi dùng các chất độc hóa học phát quang, quân đội Mỹ còn thả tiếp bom Na-pan để đốt trụi cây cỏ. Đây là phương thức tác chiến rất dã man, hủy hoại môi trường tự nhiên và nguy hiểm hơn là hậu quả của nó đối với cơ thể con người.
Từ năm 1967 đến 1969 được xác định là những năm đỉnh điểm của Chiến dịch Ranch Hand. Năm 1967, Mỹ đã phun rải trên diện tích khoảng 70.000 ha. Một tuần, từ 22 - 28/9/1969, đã có 100 lượt máy bay hoạt động phun rải. Trong một khu vực chỉ 7 ha (thuộc Thừa Thiên Huế) mà bị phun rải khoảng 800 lít chất da cam và 150 lít chất xanh. Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong năm 1969, Mỹ đã phun rải 12,5 triệu lít chất độc hóa học xuống khoảng 500.000 ha hoa màu và thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam. Trong 5 năm từ 1964 đến 1969, quân đội Mỹ đã sử dụng số lượng hóa chất trị giá 134,9 triệu USD.
Cùng với các vụ phun rải theo kế hoạch, các vụ xả thải khẩn cấp (trường hợp máy bay bị trúng hỏa lực đối phương hoặc do máy bay hỏng) cũng nhiều lần diễn ra. Tính từ 1965 đến 1970, đã có 37 vụ xả chất độc hóa học khẩn cấp với khoảng 43.000 lít (trong đó có gần 15.000 lít chất da cam). Tính nguy hại ở chỗ, trên một diện tích nhỏ phải hứng chịu một số lượng rất lớn chất độc hóa học dẫn tới sự ô nhiễm môi trường có thể kéo dài hàng trăm năm.
Năm 1970, tuy số lượng hóa chất có giảm, song các phi vụ phun rải vẫn được tiến hành thường xuyên. Nhiều vùng tiếp tục bị phun rải nhiều lần, như: Cao Lãnh, Mỹ Hội, Mỹ An (thuộc tỉnh Kiến Phong); Châu Thành, Bình Minh (Vĩnh Long); Kỳ Phước, Kỳ An (huyện Tam Kỳ, Quảng Nam),v.v.. Ngày 21/6/1971, Ủy ban Quốc tế điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ tại Đông Dương đã cho biết, trong năm 1970 - 1971, Mỹ vẫn tiếp tục rải khoảng 4,2 triệu lít chất độc hóa học xuống ba nước Đông Dương.
Tội ác do chất độc hóa học gây ra không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, Lào, Campu-chia mà nhiều binh lính của Mỹ và các nước đồng minh bị ảnh hưởng. Hành động đó đã bị nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên án. Trước tình hình đó, từ ngày 3/5/1971, quân đội Hoa Kỳ đã phải dừng các cuộc phun rải, giao lại cho quân đội Việt Nam cộng hòa đảm nhận. Và chiếc trực thăng cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hòa phun rải được xác định là ngày 31/10/1971.
Những bằng chứng về hoạt động phun rải chất độc hóa học ở miền Nam của quân đội Mỹ và đồng minh là không thể chối bỏ. Các hoạt động đó đã gây hậu quả hết sức nặng nề đối với môi trường và con người Việt Nam.
II- HẬU QUẢ NẶNG NỀ VÀ NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH
Hủy hoại môi trường
Theo thống kê, 1/4 diện tích của miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc hóa học (CĐHH); trong đó, 86% diện tích bị phun rải trên 2 lần, 11% diện tích bị phun rải trên 10 lần, 86% lượng CĐHH rải xuống rừng núi, đầu nguồn 28 con sông và 14% rải xuống đồng ruộng. Hầu hết các hệ sinh thái rừng của Nam Trung bộ, Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ bị tàn phá; hơn 3 triệu ha rừng nguyên sinh bị hủy hoại. Môi trường toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng nề, hệ sinh thái bị đảo lộn, một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; cây cối không phát triển hoặc bị chết làm cho khí hậu vùng cũng bị thay đổi vì độ ẩm giảm, cường độ chiếu sáng tăng, đất bị xói mòn, thoái hóa. Thậm chí một số vùng bị nhiễm nặng đến nay cây vẫn chưa mọc lại. Rừng phòng hộ đầu nguồn của lưu vực nhiều con sông, như: Sông Hương, Sông Hàn, sông Thu Bồn, sông Thạch Hãn, sông Trà Khúc, Sông Côn, Sông Vệ, Sông Cầu, Sông Ba,... bị hủy hoại nặng nề, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.
Chất độc da cam/dioxin hủy hoại môi trường ở Việt Nam
Cùng với đó là những “điểm nóng” về dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát, nơi trước đây quân đội Mỹ tập kết CĐHH trước khi mang đi phun rải. Theo đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế, những năm vừa qua, ở khu vực sân bay Đà Nẵng có khoảng gần 90.000m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin cần phải xử lí; ngoài ra còn có 50.000m3 đất và bùn cần phải cô lập do lượng dioxin bị nhiễm cao gấp 365 lần so với ngưỡng mà Tổ chức Y tế Thế giới xác định là an toàn. Tại sân bay Biên Hòa, khối lượng đất bị nhiễm dioxin lên tới gần 500.000m3 - đây là điểm nóng nhất về dioxin tại Việt Nam hiện nay với nồng độ cao, tính chất phức tạp. Khu vực sân bay Phù Cát cũng có hơn 10.000m3 bùn đất nhiễm dioxin cần xử lý.
Những mảnh đời bất hạnh
CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không chỉ gây ra thảm họa với môi trường, mà còn gây hậu quả nặng nề đối với con người Việt Nam. Ngay từ năm 1970, tại Hội nghị Quốc tế Về tác hại của hóa chất đến môi trường (tổ chức tại Pháp), Giáo sư Tôn Thất Tùng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã thông báo về hậu quả của CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Hội nghị đã sơ bộ kết luận cuộc chiến tranh hoá học ở Việt Nam đã gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại thiên nhiên; tác động vào con người gây ra nhiều loại bệnh tật nặng nề, như: thần kinh, tai biến sinh sản, ung thư, biến đổi gien, quái thai, dị dạng,... đồng thời cảnh báo nó có thể di truyền xuyên thế hệ.
Thực tế, chất độc da cam (CĐDC)/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời thực vật, không một giây phút như người bình thường. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ đều là nạn nhân; đặc biệt, có gia đình 15 người con là NNCĐDC. Hàng trăm nghìn người đã chết ở tuổi còn trẻ; hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến CĐDC/dioxin. Các bệnh phổ biến ở NNCĐDC là: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật, v.v. Đặc biệt, CĐDC/dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, ở Việt Nam di chứng CĐDC đã truyền sang thế hệ thứ 3 và có không ít nạn nhân là thế hệ thứ 4; phần lớn những gia đình NNCĐDC đã và đang sống trong đau khổ, bệnh tật, đói nghèo và vô vọng, “Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Theo thống kê, 70% gia đình NNCĐDC thuộc hộ đói nghèo; 22% số gia đình NNCĐDC có từ 3 nạn nhân trở lên; 90% NNCĐDC không có chuyên môn, nghề nghiệp. Vì vậy, cuộc sống của họ vô cùng khổ cực.
Hiện nay đã phát sinh thêm nhiều nạn nhân mới. So với trẻ em nơi khác, trẻ em sống trong vùng bị rải CĐHH có tỷ lệ bị sứt môi hở hàm ếch, chậm phát triển trí tuệ, có thêm ngón tay hoặc ngón chân cao gấp 3 lần; bị bụng to, thoát vị bẹn cao gấp 8 lần. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi CĐDC thì ít khi thọ quá 20 tuổi.
Hàng nghìn NNCĐDC là hàng nghìn nỗi buồn xót xa; mỗi trường hợp là một số phận với những câu chuyện bi thương khác nhau, nhưng họ đều có chung cảnh ngộ, đó là: đau khổ, bất hạnh và nghèo khó.
Gia đình của người cựu chiến binh Đỗ Đức Địu (thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là một trường hợp đặc biệt thương tâm. Ông bị nhiễm CĐDC trong thời gian là bộ đội ở Trường Sơn và Tây Thừa Thiên - Huế. Vợ ông 15 lần sinh con thì 12 lần ông tự tay đóng hòm đem con đi chôn vì bị chết yểu; hiện nay ông chỉ còn ba người con, nhưng chẳng đứa nào lành lặn. Ông bà không còn nước mắt khóc cho con. Ông như chiếc bóng lầm lũi đêm ngày thơ thẩn với 12 ngôi mộ đánh số thứ tự từ 1 đến 12, chôn ngay trong vườn sau nhà. Có tháng ông phải làm giỗ con tới ba lần.
Bà Hoàng Thị Gấm ở phường Đông Hưng (thành phố Thanh Hóa) có chồng đi bộ đội chiến đấu nhiều năm trên chiến trường. Đã 30 năm nay, trong nhà bà không có tiếng cười mà chỉ có tiếng khóc, tiếng la hét của hai cô con gái là NNCĐDC với những cơn sốt li bì, kéo dài triền miên, mắt trợn ngược, chân tay co rúm. Từ cuối năm 1995, chồng bà cũng phát bệnh, nằm liệt giường. Một mình bà Gấm phải chăm sóc 4 người, trong đó có 3 người nằm liệt gường. Bà than thở: trên thế giới này còn ai đau khổ hơn tôi không?
Một nạn nhân của chất độc da cam/dioxin
Ở vùng đất Quảng Nam, một trong những trọng điểm của các đợt phun rải CĐHH, hiện có hàng ngàn NNCĐDC đang gồng gánh nỗi đau đớn trong thầm lặng. Nạn nhân Bùi Tấn Bão ở thôn Hà Vy (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc), dù đã 10 tuổi song cơ thể chỉ bằng cháu bé lên 3, chân tay em quặt quẹo, co quắp, hai xương ức nhô cao, vật vờ, chẳng thể gọi cha, gọi mẹ, chẳng biết bày tỏ buồn vui, giận hờn. Ông Đỗ Tới ở thôn Trúc Hà (xã Đại Hưng, Đại Lộc) chết vì bệnh ung thư, để lại 3 người con bị bệnh thần kinh nặng; ngay cả đứa cháu nội duy nhất của ông nay cũng sống đời thực vật.
Ở xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có gần 400 người là NNCĐDC đang mang trên mình dị tật, dị dạng, các bệnh về não, mắt,… trong đó có nhiều người nằm liệt giường nhiều năm với thân xác da bọc xương, dị hình, dị dạng. Vợ chồng ông Trần Văn Trâm ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), có 5 người con thì 4 đứa bị nhiễm CĐDC. Ở cái tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông hằng ngày vẫn phải chăm sóc, lo sinh hoạt cá nhân cho những đứa con tật nguyền đáng thương, đang quằn quại trong nỗi đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Ông luôn trăn trở: sau này cả 2 ông bà mất đi, ai sẽ cưu mang, nuôi dưỡng những đứa con tội nghiệp này?
Anh Nguyễn Ngọc Thống, xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) có 4 người con thì ba đứa bị bệnh tật; một cháu bị về trí nhớ, hai cháu bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, càng lớn xương sườn càng nhô ra phía trước, chân tay cong queo, không thể đi lại, v.v. Đã 25 năm nay vợ chồng anh phải chăm sóc từ việc sinh hoạt ăn uống, vệ sinh của hai cháu. Thương con, tâm can đau thắt mà chẳng biết kêu ai. Đó là Bà Đào Thị Kiều, sinh năm 1952, nông dân ở Biên Hòa, khu ruộng nhà bà bị quân đội Mỹ rải thuốc diệt cỏ nhiều lần. Vì vậy, bà có 8 người con thì 7 người bị dị tật bẩm sinh và 5 người trong số đó đã bị chết yểu. Chồng bà, năm 2004 cũng bị chết vì ung thư, v.v.
Và trên đất nước này còn nhiều, rất nhiều những mảnh đời bất hạnh như vậy!
Thảm họa CĐDC trong chiến tranh ở Việt Nam không chỉ gây ra các loại bệnh đối với người Việt Nam, mà nhiều quân nhân Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Newzeland,... từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam cũng mắc các bệnh liên quan đến CĐDC. Stephen Price, nhân viên kỹ thuật tại căn cứ không quân Mỹ tại Đà Nẵng năm 1967, nơi có kho chứa CĐDC bị chết năm 2008 do bệnh bạch cầu và tiểu đường; các con gái ông đều bị dị tật hệ thần kinh do tật nứt đốt sống. Hội cựu chiến binh Hàn Quốc cho biết: có 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm CĐDC, trong đó có 20 nghìn người đã chết, v.v.
Thảm họa về môi trường và những mảnh đời bất hạnh đó vẫn đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam. Nhìn thẳng vào sự thật, nêu rõ sự thật đó không phải để chúng ta kích động hận thù dân tộc, mà để chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm cho tương lai của nhân loại. Nỗi đau thế kỷ này chẳng thể cho phép sự vô cảm. Khắc phục hậu quả thảm họa CĐDC ở Việt Nam là lương tâm và trách nhiệm của nhân loại./.
III- CHUNG TAY XOA DỊU NỖI ĐAU DA CAM - KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC).
Ngày 15/10/1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) có Quyết định số 288-TTg Về thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam. Tiếp đó, ngày 5/7/2002, Bộ Chính trị có Thông báo số 69-TB/TW Về việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin. Trong đó nêu rõ: giải quyết hậu quả CĐDC/dioxin là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết có hiệu quả hơn; trước mắt, cần có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân. Đồng thời, tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ,… tham gia hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC. Ngày 05/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 10/1/2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (Vietnam Association for Victims of Agent Orange/dioxin - VAVA) được thành lập theo theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV ngày 17/12/2003 của Bộ Nội vụ. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Hội NNCĐDC/dioxin có nhiệm vụ chủ yếu là: vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh bảo vệ quyền lợi, đòi công lý cho NNCĐDC. Ngay sau khi thành lập, Hội đã lập Dự án “Giúp đỡ các NNCĐDC trong cuộc sống”; đồng thời “tổ chức thu thập hồ sơ chứng cứ tiến hành khiếu kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất CĐDC để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh”.
Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị 43-CT/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân và việc tổ chức xây dựng Hội NNCĐDC/dioxin các cấp. Sau khi có Chỉ thị số 43-CT/TW, công tác thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ có sự chuyển biến tích cực; cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin. Đến nay, Hội đã được tổ chức ở 63/63 tỉnh, thành phố; 615 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 6.539 xã, phường, thị trấn của cả nước với gần 400.000 hội viên; đã thành lập 26 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giải độc cho nạn nhân ở Trung ương và các địa phương. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí; thực sự là cầu nối từ các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đến NNCĐDC, xứng đáng được Nhà nước và nhân dân giao phó trọng trách chăm lo, giúp đỡ và đại diện bảo vệ quyền lợi cho hơn 3 triệu NNCĐDC.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam của cộng đồng xã hội
Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cùng sự hỗ trợ tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế, chúng ta đã đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu sau chiến tranh và hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐC. Cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Đặc biệt, phong trào “Hành động vì NNCĐDC ở Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã phát huy hiệu quả, được cộng đồng xã hội trong và ngoài nước đồng tình hưởng ứng. Từ năm 2004 đến 2019, các cấp hội đã vận động được hơn 2.045 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân trong nước ủng hộ hơn 1.925 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân nước ngoài ủng hộ hơn 120 tỷ đồng để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Trong 5 năm (2013 – 2018), Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã vận động hỗ trợ xây được 1.972 nhà tình nghĩa, trợ cấp 3.958 suất học bổng, hỗ trợ vốn sinh kế, tìm việc làm, khám chữa bệnh, thăm, tặng quà vào các dịp lễ, tết,... cho hàng nghìn NNCĐDC.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Hội NNCĐDC/dioxin trong nhiều năm liền; có tổ chức, doanh nghiệp chi hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC. Tiêu biểu trong số này là: Bộ Quốc phòng, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương Mại cổ phần Quân đội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty TNHH thép An Hưng Tường, ông Nguyễn Thiệu - Công ty Đông Nam Dược Nguyễn Thiệu, ông Nguyễn Như Ý - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Synot Asean, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và kinh doanh golf Long Thành, tổ chức Hoa Trắng - Cộng hòa Pháp, bà Maggie Brooks (Costa Rica), bà Masako Sakata (Nhật Bản), v.v.
Các gia đình NNCĐDC tỉnh Quảng Trị ký nhận bò giống sinh sản và vốn sản xuất
do Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam trao tặng (9/2019)
Nhiều Cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình đã không gục ngã trước thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, vượt lên mọi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, có cuộc sống khá giả; trong đó, nhiều người là chủ doanh nghiệp, làm giàu cho bản thân và giúp nhiều người khác có công ăn, việc làm, sống ổn định. Điển hình như ông Nguyễn Lưu Đoàn (thôn 3, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lăk), ông và người con thứ 2 bị nhiễm CĐDC. Không đầu hàng trước hoàn cảnh, vợ chồng ông quyết tâm xây dựng kinh tế, mỗi năm đem về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Ông Lưu Trí Hải, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng có 3 người con bị nhiễm CĐDC, mặc dù sức khỏe yếu nhưng ông đã mở xưởng cơ khí phát triển kinh tế. Ông Dương Cao Khoa, thôn 2, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh có 4 người con bị nhiễm CĐDC, nhưng vẫn vượt khó vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Bà Trần Thị Kim Liên ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là thương binh và NNCĐDC. Được Hội NNCĐDC/dioxin hỗ trợ cho vay vốn 10 triệu đồng và 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay dành cho phụ nữ, bà đã đầu tư vào chăn nuôi bò. Nhờ vậy, mà giờ đây gia đình bà đã thoát được nghèo, thu nhập từ chăn nuôi, mỗi năm được gần 80 triệu đồng. Ông Lê Ngọc Định, sinh năm 1952, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, nhập ngũ năm 1970, là thương binh hạng 4/4 và NNCĐDC, có 1 người con là NNCĐDC. Bằng ý chí vươn lên, không khuất phục đói nghèo, ông quyết định đầu tư, học hỏi kinh nghiệm trồng các loại cây ăn quả, trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, v.v.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực và chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng hậu quả chất độc hóa học để lại còn lâu dài và nặng nề. Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân ở trong và ngoài nước đã dành nhiều tình cảm, sự ủng hộ đối với NNCĐDC. Tuy nhiên, hiện nay NNCĐDC vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả nặng nề của thảm họa CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; nỗi đau khổ, khó khăn, vất vả, cùng cực của NNCĐDC đang phải chịu đựng, họ rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ, chung tay chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Hành động vì NNCĐDC/dioxin” và tổ chức tốt các cuộc vận động giúp đỡ, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam nhân dịp Ngày 10/8 (Ngày vì NNCĐDC ở Việt Nam), các ngày tết, ngày lễ, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội; khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái” đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Các cấp hội từ Trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, tuyên truyền phản ánh về hoạt động của Hội; biểu dương những tấm lòng hảo tâm đồng hành với NNCĐDC; những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên; những cán bộ Hội tâm huyết, v.v. Cùng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần phát huy các hình thức tuyên truyền bằng trưng bày hình ảnh, hiện vật, pa-no, khẩu hiệu, thư ngỏ, sách và các ấn phẩm khác.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng được xác định trong Chỉ thị 43-CT/TW. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách đối với NNCĐDC; sớm nghiên cứu, ban hành chế độ, chính sách đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH theo Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”; từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho NNCĐDC ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cấp ủy, chính quyền các cấp còn phải quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin vững mạnh, tạo điều kiện, bảo đảm cho Hội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, các cấp hội cần nêu cao trách nhiệm, chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; sáng tạo, linh hoạt trong công tác vận động nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm ở trong nước và ngoài nước. Cùng với đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong vận động, đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam.
IV- ĐẤU TRANH ĐÒI CÔNG LÝ CHO NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA
CAM/DIOXIN – TRÁCH NHIỆM VÀ LƯƠNG TÂM CỦA NHÂN LOẠI
Hành trình đã qua
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam (1975), nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã kiện hoặc biểu tình đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Tuy nhiên, những cuộc đấu tranh đó còn tự phát, chưa có sự liên kết. Năm 2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam ra đời đã tạo ra bước đột phá trong đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam. Hội đã thay mặt hơn 3 triệu nạn nhân gửi đơn kiện 37 công ty sản xuất và cung cấp hóa chất cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Mặc dù có sự nghiên cứu, chuẩn bị từ những năm trước, nhưng có rất nhiều khó khăn đặt ra: về tài chính, các vụ kiện quốc tế nói chung và tại Mỹ nói riêng rất tốn kém; về chứng cứ, thời gian diễn ra các sự kiện đã lùi xa gần 60 năm, các nhân chứng giảm dần cả về số lượng và năng lực, trí tuệ; hơn nữa, để chứng minh sự liên quan giữa CĐDC/dioxin và các loại bệnh tật do nó gây ra không đơn giản, đòi hỏi phải có trình độ khoa học tiên tiến.
Đơn kiện được Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam gửi tới Tòa án sơ thẩm Liên bang quận Brooklyn, bang New York, Hoa Kỳ. Sau hơn 5 năm giải quyết qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm; nhưng thật vô lý, ngày 02/02/2009, Tòa án Tối cao Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố không thụ lý đơn kiện của các nguyên đơn với “lý do” được đưa ra là: (1) Chất hóa học mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam chỉ là “chất diệt cỏ”, không có hại đối với sức khỏe của con người; (2) Các công ty hóa chất sản xuất, cung cấp “chất diệt cỏ” cho quân đội Mỹ làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ, mà Tòa án Mỹ không có quyền xét xử các việc làm của Chính quyền Liên bang liên quan đến quân sự và ngoại giao.
Trước sự vô lý đó, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá lại hồ sơ để tìm phương hướng, biện pháp đấu tranh phù hợp; đồng thời, khẳng định quyết tâm: kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam. Thực tế, chúng ta không đơn độc, nhiều tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Tháng 5/2009, Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học (CĐHH) cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (bà Trần Tố Nga là nhân chứng). Tòa đã khẳng định: Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất dioxin, mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “diệt chủng môi trường”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp CĐHH phải bồi thường toàn bộ cho các NNCĐDC và gia đình họ; phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch CĐDC/dioxin khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam,... Tiếp đó, bà Trần Tố Nga cùng Văn phòng Luật sư Bourdon & - đại diện cho bà nộp đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ lên Tòa Đại hình Evry của Pháp.
Các vụ kiện của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và một số cá nhân tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng là sự kiện chính thức tố cáo tác hại, hậu quả nặng nề của CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, làm thức tỉnh trách nhiệm và lương tâm của nhân loại, hình thành phong trào đấu tranh mạnh mẽ chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các NNCĐDC; bước đầu tác động tích cực đến thái độ và hành động của ngành lập pháp và hành pháp ở Mỹ.
Vấn đề đáng quan tâm là, gần đây nhiều cá nhân ở Mỹ sử dụng chất diệt cỏ (tương tự thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam) đã kiện và thắng kiện các công ty hóa chất Mỹ. Ngày10/8/2018, Tòa án bang California (Hoa Kỳ) đã ra phán quyết yêu cầu Công ty hóa chất Monsanto bồi thường 289 triệu USD cho ông Dewayne Johson, người bị ung thư giai đoạn cuối do sử dụng thuốc Roundup của Monsanto để chăm sóc cây trồng. Ngày 28/3/2019, Tòa án liên bang tại San Francisco buộc Công ty Monsanto bồi thường hơn 80 triệu USD cho nạn nhân Edwin Handiman, bị ung thư do sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup. Ngày 13-5-2019, Tòa án bang Califonia tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) đã tuyên bố Công ty Monsanto phải bồi thường hơn 2 tỷ USD cho cặp vợ chồng mắc ung thư vì thuốc diệt cỏ Roundup chứa hoạt chất Glyphosate.
Những phán quyết trên của tòa án là đúng đắn. Đó cũng là bằng chứng về sự tác hại của CĐHH mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thực tế, hằng năm, chính phủ Hoa Kỳ đã chi hàng tỷ USD đền bù, hỗ trợ cho các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam trước đây bị nhiễm CĐDC (cao nhất là năm 2010 với 13,5 tỷ USD). Vấn đề đặt ra là, Chính phủ Mỹ không công khai thừa nhận tính chất độc hại của CĐDC đối với môi trường và con người Việt Nam, nhưng họ lại có chính sách chăm sóc sức khỏe, bồi thường thiệt hại cho binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam? tại sao Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ không hành động như vậy đối với NNCĐDC ở Việt Nam? Chúng ta có quyền đòi hỏi Chính phủ Hoa Kỳ phải thừa nhận trách nhiệm gây ra hậu quả nặng nề đối với môi trường và con người Việt Nam, đồng thời có hành động thiết thực khắc phục hậu quả do họ gây ra.
Đẩy mạnh đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam
Trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có bước phát triển mới, cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam có thuận lợi hơn. Tuy nhiên, về nhận thức phải thấy rõ cuộc đấu tranh này còn phức tạp, lâu dài. Bởi lẽ, các công ty hóa chất Mỹ luôn tìm cách phủ nhận tội ác, gây khó khăn cho các vụ kiện. Vì vậy, để cuộc đấu tranh đạt hiệu quả cao, phải có quyết tâm, sự kiên trì, kiên định với mục tiêu; đồng thời, phải đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Trước hết, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở cả trong nước và ngoài nước; chú trọng làm rõ bản chất và hậu quả nặng nề, lâu dài của CĐHH đối với sức khỏe con người và môi trường Việt Nam. Điều đau đớn đối với dân tộc Việt Nam là CĐDC/dioxin còn gây ra di truyền xuyên thế hệ, làm cho nhiều gia đình, dòng họ có nguy cơ không còn người nối dõi. Cùng với đó, còn phải làm rõ những chứng cứ khoa học về sự tác động, ảnh hưởng của CĐDC/dioxin đối với môi trường và cơ thể con người,... Qua đó, tạo thành làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam. Mặt khác, chúng ta tiếp tục làm rõ những cam kết của Chính phủ Mỹ về trách nhiệm đóng góp, hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam như Điều 21 Hiệp định Paris năm 1973 đã xác định: “Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công việc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam dân chủ cộng hòa và toàn Đông Dương”. Hiện nay Hoa Kỳ đã và đang phối hợp tẩy độc tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa,… nhưng như vậy là chưa đủ. Hoa Kỳ còn phải bồi thường cho NNCĐDC ở Việt Nam - Đó là lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm của Chính phủ Mỹ và các công ty đã sản xuất, cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Về phương thức đấu tranh, cần củng cố, mở rộng nhiều hướng và nhiều hình thức với các biện pháp, bước đi phù hợp; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nguyên tắc trong đối ngoại. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài; kết hợp cả đấu tranh pháp lý và đấu tranh đạo lý; bằng cả đường ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; trong đó tập trung tổ chức thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế đã ký trong lĩnh vực này. Chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác, như: tổ chức diễn đàn quốc tế, hội thảo khoa học, hội nghị trao đổi giữa các bên liên quan,... Thông qua đó tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về khoa học - công nghệ, kinh nghiệm và đặc biệt là tài chính để giúp đỡ NNCĐDC; đồng thời, qua đó khơi dậy, làm thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm của Chính phủ và nhân dân Mỹ đối với NNCĐDC ở Việt Nam. Mặt khác, cần tiếp tục ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
Thảm họa CĐHH do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam là hết sức nặng nề. Hiện nay hàng vạn NNCĐDC ở Việt Nam hàng ngày vẫn phải vật lộn với sự đau đớn tột cùng cả về thể xác và tinh thần. Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất đã cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không thể chối bỏ trách nhiệm. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam còn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc; nó cảnh báo cho nhân loại về sự nguy hại, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, lâu dài của CĐHH nói chung và chất độc dioxin nói riêng; qua đó, còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi người trong tình hình mới. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam dù còn khó khăn, lâu dài, nhưng công lý nhất định phải được thực thi - Đó là lương tâm và trách nhiệm của nhân loại./.
* Các số liệu được trích dẫn từ nguồn: Tác phẩm Chiến tranh hóa học ở Việt Nam - Biên niên sự kiện của Tiến sĩ Vũ Hoài Tuân, Hà Nội 2015; các kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế và tư liệu của các đồng nghiệp,…
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC