Đang truy cập: 24
Trong ngày: 130
Trong tuần: 572
Lượt truy cập: 268719

Giải quyết hậu quả chất độc hóa học: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Kỳ I: Nỗi đau giữa thời bình và khát vọng vươn lên

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn mang di họa của chất độc hóa học (CĐHH) mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại chiến trường Việt Nam. Chất độc da cam đã làm cho hàng chục vạn người trực tiếp tham chiến bị nhiễm độc, hàng triệu trẻ em sinh ra trong hòa bình bị dị dạng, dị tật, nhiều người sống đời sống thực vật. Rõ ràng, CĐHH không chỉ để lại hậu quả cho người trực tiếp tham gia kháng chiến và con của họ mà còn di truyền sang cả thế hệ thứ 3, thứ 4. Từ nghĩa tình, trách nhiệm của toàn xã hội với nhiều việc làm thiết thực đã ngày càng tiếp thêm động lực cho các nạn nhân vượt qua nỗi đau da cam, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
 dacam-2-1616815569

Đại diện lãnh đạo tỉnh và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Thọ trao tặng xe lăn cho các nạn nhân chất độc da cam.
 

Toàn tỉnh hiện có 17.320 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH; trong đó 10.379 nạn nhân chất độc da cam, đến tháng 12/2019 có 6.662 nạn nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng; đến tháng 6/2020 còn 6.070 nạn nhân (trong đó: 3.735 nạn nhân là người có công, 2.335 nạn nhân là con của người có công), nạn nhân là nữ: 1.129 người, nạn nhân suy giảm 81% khả năng lao động trở lên 582 người, gia đình có 2 nạn nhân trở lên 1.266 hộ và khoảng 75% nạn nhân chỉ hưởng trợ cấp chất độc hóa học hàng tháng, không có thu nhập khác, bệnh tật phát sinh nhiều. 

Hậu quả của chất độc da cam/dioxin đã ảnh hưởng nặng nề đến các nạn nhân sau khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù sức khỏe suy giảm, đời sống gặp nhiều khó khăn, thế nhưng thay vì chấp nhận số phận, hoàn cảnh nghiệt ngã, rất nhiều NNCĐDC trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên, trở thành những tấm gương tiêu biểu có ích cho gia đình và xã hội. 
Một trong những tấm gương đại diện cho ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên là chị Đỗ Thị Út - con gái của CCB Đỗ Văn Hồi ở khu 9 xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông - người đã từng nhiều năm chiến đấu ở chiến trường, trong vùng Mỹ sử dụng chất độc da cam. Do đôi tay bị liệt, đôi chân cử động được nhưng yếu nên phải dùng xe lăn, gần 30 năm nay, mọi sinh hoạt chị đều phải sử dụng hai bàn chân và sự trợ giúp của bố mẹ. 

Bằng ý chí và nghị lực, chị đã quyết tâm, kiên trì học chữ, học thêu tranh và làm được nhiều việc phi thường. Không thể đến trường, chỉ học theo các anh chị, các bạn vậy mà chị đã biết đọc, biết viết. Nghe nói một số người trong xã thêu được những bức tranh theo mẫu rất đẹp, chị tìm cách đến tận nhà họ để học, rồi dành thời gian tìm hiểu trên internet. Khi đã có những hiểu biết cơ bản, chị Út lại đi xe lăn ra chợ tìm chọn mẫu tranh, trích một phần tiền trợ cấp để mua kim khâu, chỉ màu… Tác phẩm đầu tiên của chị là bức tranh đôi chim công và mặt số đồng hồ được hoàn thiện sau hơn một năm miệt mài đường kim, mũi chỉ. Khi xong đường thêu cuối cùng, Út mừng đến rơi nước mắt, đôi vai nhỏ bé khẽ rung lên, dường như có một điều mới lạ, hấp dẫn đang mở ra trước mắt. Út chia sẻ trong niềm vui khôn tả: “Thành công bước đầu đã tiếp thêm nghị lực để mình vươn lên, vượt qua số phận”.

dacam-1-1616815582
Các CCB tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, học tập mô hình kinh tế tổng hợp của NNCĐDC Hoàng Văn Nghĩa ở khu 5, xã Trị Quận, huyện Phù Ninh cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Thực tiễn đã chứng minh, vượt lên nỗi đau không chỉ giúp các NNCĐDC lạc quan yêu đời, yêu thương, chia sẻ nhiều hơn với đồng đội của mình mà còn hăng say sản xuất, phát huy sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình. Ông Hoàng Văn Nghĩa ở xã Trị Quận, huyện Phù Ninh là một trong những điển hình cho sự kiên trì vươn lên, khẳng định phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường. Năm 1974, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nghĩa lên đường tham gia chiến đấu, đánh Sân bay Buôn Ma Thuột, góp phần giải phóng miền Nam, sau đó tiếp tục bảo vệ biên giới tại Hà Giang. Ông bị thương 2 lần với thương tật thương binh 51%, bệnh binh 61% và nhiễm chất độc da cam/dioxin 84%, vì thế đứa cháu nội thế hệ thứ 3 của ông cũng bị ảnh hưởng. 

Về quê, cuộc sống chỉ trông vào 2 sào ruộng với 6 miệng ăn, cái nghèo cái đói cứ quẩn quanh. Không khuất phục trước khó khăn, vợ chồng ông bắt tay vào làm kinh tế VAC với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Ông Nghĩa chia sẻ: “Là một người lính chiến đấu từ Nam ra Bắc nên khi về cuộc sống đời thường, tôi nghĩ mình không thể bị khuất phục bởi cái đói, cái nghèo. Do vậy, tôi bắt đầu từ chăn nuôi gà, ngan, lợn để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình”. Hiện nay, ông nuôi 5 con lợn nái, trong chuồng lúc nào cũng có từ 30 - 40 con lợn thịt. Ngoài ra, ông nuôi trên 300 đôi chim bồ câu lai Pháp cộng với nguồn thu từ 2 sào ao mặt nuôi cá đã giúp gia đình ông có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. 

Điều đáng quý là, không chỉ chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, ông Hoàng Văn Nghĩa còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên hội da cam/diôxin của xã về cách thức chăn nuôi theo mô hình gia trại. Với nghị lực của người lính Cụ Hồ, vượt qua mọi nỗi đau của bệnh tật, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội, ông Hoàng Văn Nghĩa, một thương binh, một nạn nhân da cam/dioxin  xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào làm kinh tế giỏi để mọi người học tập, làm theo.

Chúng tôi về xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng - nơi có trên 20 NNCĐDC/dioxin là cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Trò chuyện với ông Phạm Văn Sự - NNCĐDC/dioxin chúng tôi được biết, quê ông ở huyện Thanh Ba, 20 tuổi đi thanh niên xung phong, rồi chuyển sang bộ đội, phục vụ chiến đấu ở Chiến trường C. Sau 6 năm vừa tham gia thanh niên xung phong, vừa bộ đội, năm 1978 ông chuyển ngành; đến năm 2002, do sức yếu nên ông Sự được nghỉ hưu. 

Cũng như nhiều vùng ở miền Nam Việt Nam, tỉnh Xiêng Khoảng của Lào là nơi Mỹ nhiều lần rải CĐDC/dioxin. Đa số thanh niên xung phong, bộ đội chiến đấu ở đây, trong đó có ông đều bị phơi nhiễm. Trong một lần về phép năm 1977, ông Sự cưới vợ. Năm 1978, vợ ông có thai lần đầu nhưng đứa con mất ngay từ trong bụng mẹ. Năm 1979, vợ chồng ông sinh đứa con thứ hai, tuy lành lặn nhưng trí tuệ chậm phát triển. Năm 1980 vợ ông sinh đôi, nhưng chỉ nuôi được vài tháng thì các cháu lần lượt qua đời. Khát khao có thêm con, lần sinh thứ tư năm 1982, ông có được con trai nhưng chỉ 6 tháng tuổi thì cháu cũng qua đời. Phiền muộn về đường con cái, từ năm 1982, vợ ông mắc bệnh tim và qua đời năm 2017. Hiện giờ, bên ông chỉ còn đứa con gái duy nhất mắc chứng down và anh con rể tình trạng bệnh tật cũng như vợ. Nỗi đau da cam từ ông truyền qua con gái để lại di chứng tim bẩm sinh ở cả hai đứa cháu ngoại. Mặc dù bị khối u ở thận và bệnh huyết áp nhưng đến giờ, đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhờ chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với NNCĐDC và sự sẻ chia của đồng đội đã giúp ông lạc quan vui sống, làm chỗ dựa cho con cháu, sống cuộc đời ý nghĩa. 

Theo thống kê của Hội NNCĐDC huyện Đoan Hùng, toàn huyện có trên 1.000 người nghi nhiễm CĐDC; gần 300 trẻ em bị ảnh hưởng CĐDC, trong đó gần 800 người đang hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Anh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: Nét đặc thù trong công tác chăm sóc, giúp đỡ NNDC của huyện được đặt trong tổng thể chương trình hành động thực hiện chính sách an sinh xã hội, hoạt động vì người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì gia đình có NNCĐDC luôn được ưu tiên giúp đỡ. Hoạt động của các quỹ nhân đạo, quỹ vì người nghèo, quỹ chăm sóc NNDC đều được huyện thực hiện theo nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Có thể thấy, với mỗi mảnh đời bất hạnh, mỗi chúng ta càng có thêm sự sẻ chia, càng có thêm trách nhiệm, vì vậy để xoa dịu nỗi đau da cam cần có sự chung tay của toàn xã hội, giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin yêu cuộc sống, vượt khó vươn lên trở thành những con người có ích cho xã hội.

Kỳ II-Thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách đối với NNCĐDC

Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 27-CT/TU của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội cùng nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động nên việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trong tỉnh ngày càng được quan tâm, hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội NNCĐDC/dioxin là tổ chức đại diện cho lợi ích và quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC, đưa hoạt động của Hội đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

img-5885-1616981830
Lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh thăm và trao quà cho gia đình có 2 NNCĐDC ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh.

Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 27-CT/TU của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội cùng nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động nên việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trong tỉnh ngày càng được quan tâm, hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội NNCĐDC/dioxin là tổ chức đại diện cho lợi ích và quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC, đưa hoạt động của Hội đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Để chỉ đạo giải quyết tốt hơn hậu quả CĐHH trong chiến tranh, ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hướng tới mục tiêu chung là thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công, đảm bảo an sinh xã hội.

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 43- CT/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 20/7/2015 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3680/KH-UBND ngày 29/8/2016 về hành động triển khai khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020.

Nhận thức sâu sắc việc khắc phục hậu quả CĐHH với môi trường, sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, trên cơ sở Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh; cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị đều có thông tri lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác khắc phục hậu quả CĐHH nói chung và hoạt động của tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin nói riêng.

Tại nhiều cơ sở, nhất là ở những nơi có nhiều nạn nhân trực tiếp và gián tiếp; trong đó có nhiều trường hợp éo le như sức khỏe quá yếu, có các biến chứng liên quan đến biểu hiện ảnh hưởng CĐHH, trẻ em là con, cháu nạn nhân sinh ra dị dạng, dị tật bẩm sinh; cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã có những việc làm thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc chu đáo nạn nhân; quan tâm đến tổ chức và hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin.

Được thành lập tháng 11 năm 2006, đến nay, sau 15 năm hoạt động, tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin ở Phú Thọ đã được xây dựng và phát triển từ tỉnh đến cơ sở, làm nòng cốt trong công tác quản lý; vận động giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân; đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh. Phát huy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả CĐHH. Theo số liệu thống kê, tỉnh Phú Thọ đang quản lý trên 256 ngàn người có công với Cách mạng, trong đó có 10.379 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm CĐHH. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả cho trên 25.000 đối tượng, trong đó có trên 6.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng trợ cấp hàng tháng.  

img-5893-1616981857
Đại diện các nhà hảo tâm trao nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Văn Tích- NNCĐDC ở khu 6, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê.


Ông Phạm Ngọc Quỳnh - Ủy viên BCH Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh khẳng định: Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là tổ chức Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, khâu nối các nỗ lực hành động nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với việc đưa ra các chính sách, mục tiêu cụ thể và triển khai đồng bộ từ tỉnh, địa phương, cơ sở trong triển khai thực hiện Chỉ thị 43; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với Hội các cấp đã mang lại hiệu quả quan trọng, đóng góp vào đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chính sách người có công trong toàn tỉnh. 

Để nâng cao công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước đối với NNCĐDC, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh, thẩm định hồ sơ, xác nhận đối tượng nhiễm CĐHH và thực hiện việc chi trả cho NNCĐDC kịp thời, đúng quy định. Các thủ tục giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ đều được thực hiện thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công và hệ thống dịch vụ trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân làm việc với các cơ quan Nhà nước, phòng ngừa tiêu cực trong thực hiện chính sách. 

Ngoài thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”... 

Cùng với các tổ chức Hội, với trái tim nhân ái và lan tỏa tình yêu thương để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, NNCĐDC, Hà Minh Tân - sinh năm 1997 ở xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn đã đứng ra thành lập “Câu lạc bộ Trái tim nhân ái” với 26 thành viên đồng thời tổ chức các chương trình thiện nguyện vì NNCĐDC. Tân chia sẻ: “Tôi bắt đầu công việc thiện nguyện từ năm 2017, sau một thời gian làm thì các thành viên biết đến cùng tham gia. Cùng với hỗ trợ NNCĐDC, CLB đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Sơn tổ chức các chương trình có ý nghĩa như: Mùa Đông ấm, hỗ trợ người nghèo, trẻ em, những hoàn cảnh khó khăn... với số tiền kêu gọi ủng hộ được từ các nhà hảo tâm có khi lên tới 80-100 triệu đồng/1 chương trình. 

Ông Bùi Văn Huấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: CLB Trái tim nhân ái đang là một điểm sáng trong hoạt động nhân đạo ở cả hình thức tổ chức cũng như nội dung hoạt động, là nơi tin cậy để những tấm lòng vàng có thể trao gửi yêu thương. Mỗi người một hoàn cảnh, một ngành nghề nhưng họ có điểm chung là lòng nhân ái, trách nhiệm, tự nguyện chia sẻ khó khăn với những NNCĐDC. 
11-1616981694

Điều dễ nhận thấy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ ở tổ chức Hội, mỗi cá nhân mà trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, phát động các phong trào thi đua ủng hộ NNCĐDC, giúp họ vơi đi nỗi bất hạnh, khó khăn đang gặp phải để có cuộc sống tốt hơn.

Năm 2020, với tấm lòng tương thân, tương ái, tri ân những người có công với Tổ quốc, Công ty CP Licogi 14 đã hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Tích, năm nay ngoài 70 tuổi, là CCB, hội viên Hội NNCĐDC/dioxin ở khu 6, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê gần 200 triệu đồng để xây dựng căn nhà cấp 4, diện tích 70m2. Ông Tích có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có 1 người con bị thiểu năng trí tuệ và 2 cháu nội bị khuyết tật. Tuy tuổi cao sức yếu song vợ chồng ông Tích vẫn phải nuôi cháu nội cũng bị nhiễm CĐDC. Ông bà và cháu đã nhiều năm phải sống trong căn nhà tạm, lợp lá rách nát, không có điều kiện xây nhà mới. Được nhận nhà nhân ái, những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt vợ chồng người CCB già, thể hiện rõ tâm trạng xúc động, hạnh phúc với sự chia sẻ của cộng đồng. 

Có thể khẳng định, bằng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay của toàn xã hội đã không chỉ tiếp nối và nhân lên truyền thống nhân ái, nhân văn sâu sắc mà còn tiếp thêm nguồn lực, làm vơi đi nỗi đau da cam, để mỗi NNCĐDC trong tỉnh đều được sống trong tình yêu thương, thêm nhiều điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Theo Hoàng Hương - Thanh Nga

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng


Tên sản phẩm 1
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 2
 
liên hệ
Tên sản phẩm 3
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 4
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 5
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 6
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 7
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 8
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 9
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 10
 
990.000 VND

HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ

Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn

Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC