Trong ngày: 108
Trong tuần: 550
Lượt truy cập: 268697
Tròn 60 năm về trước, trong cuộc kháng chiến vệ quốc, nhiều vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam đã phải hứng chịu chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải thảm gây hậu quả chưa từng có trong lịch sử nhân loại khiến nhiều người giờ đây vẫn hàng ngày hàng giờ gánh chịu nỗi đau thể xác hành hạ cùng những ám ảnh, ngậm ngùi xót xa. Hậu quả nặng nề của cuộc chiến ấy có thể khái quát bằng cụm từ “thảm họa da cam” cho thấy tội ác của đế quốc Mỹ đã khiến nỗi đau mà dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Đất Tổ nói riêng phải hứng chịu suốt mấy mươi năm dai dẳng chưa nguôi.
Kỳ I: Tội ác chiến tranh
Đại diện lãnh đạo Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Phù Ninh khảo sát gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã Phú Mỹ để vận động hỗ trợ xây mới.
Nỗi đau từ quá khứ…
Đang loay hoay tháo tung chiếc ấm đun nước hỏng, thấy có người lạ đến nhà, ông Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1952) ở khu 6, xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh liền buông chiếc kìm khỏi tay đứng phắt dậy hô hoán: “Tao là quân Việt cộng đây. Chúng mày tránh xa không tao bắn chết. Tao là quân Việt cộng đây. Chúng mày cút mau”. Thấy thế, bà Xuân (vợ ông) từ trong bếp chạy ra can ngăn và xin lỗi chúng tôi vì căn bệnh thần kinh của ông lại tái phát. Mỗi lần phát bệnh, những ký ức bi thương nơi chiến trường ác liệt lại ùa về khiến tâm trí ông hoảng loạn.
Vợ ông kể lại: “Năm 19 tuổi, chồng tôi xung phong nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, năm 1971, ông ấy cùng đơn vị hành quân vào Nam, tham gia chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên Huế - một trong những khu vực bị quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học với số lượng rất lớn. Những lần thần trí tỉnh táo hiếm hoi, ông vẫn thường nhắc đến quãng thời gian hơn 4 năm đóng quân bám trụ trong rừng già. Đói ăn, khát uống, mưa bom bão đạn của kẻ thù không khiến các chiến sỹ giải phóng quân lo ngại mà cảm giác bất an, ám ảnh nhất là những lần nghe tiếng động cơ máy bay rì rì trên không nhưng tuyệt nhiên không có bom đạn mà chỉ thấy màn sương mờ mịt bao phủ cả khu rừng. Anh em thấy lạ chạy ra khỏi hầm quan sát chợt giật mình khi thấy cảm giác trơn lạnh từ những hạt nước hăng hắc bám trên mặt, quân phục. Mấy hôm sau, lá cây của cả khu rừng bỗng chốc chuyển màu xám xịt rồi đồng loạt trút xuống trơ những cành cây khẳng khiu như bộ xương khô. Biết là địch rải chất độc, anh em bảo nhau tìm những hốc nước có bọ loăng quăng sinh sống để nấu nướng. Tuy nhiên, chiến trường khốc liệt, nên cũng chẳng thể nào giữ gìn mãi được…”.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Dũng phục viên trở về quê xây dựng gia đình với niềm hãnh diện đã góp công sức nhỏ bé giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Nhưng đâu ngờ, ông đã nhiễm chất độc da cam/Dioxin và con trai sinh năm 1980 cũng bị di chứng. Đã mấy ngày nay, bà Xuân đứng ngồi không yên vì chồng phát bệnh gào thét, phá phách đồ đạc, đứa con trai ngoài 40 tuổi cũng bị tâm thần bỏ nhà đi lang thang chưa về.
Gạt nước mắt, bà kể: “Tôi khổ tâm lắm. Thương chồng, thương con đưa đi điều trị khắp nơi mà bệnh không thuyên giảm. Hơn 30 năm nay, gia đình phải sống trong cảnh nơm nớp lo lắng. Mỗi khi bệnh của chồng, con tái phát là tôi mất ăn mất ngủ”. Dáng cao gầy, nước da đen sạm, ông Dũng vận trên người bộ quần áo lấm lem, ướt nhép vừa mới đuổi khách, giờ lại nhoẻn cười ngây thơ như đứa trẻ.
Còn đối với thương binh ¾ Nguyễn Văn Thu (74 tuổi) ở khu Tân Bình, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, ký ức về cuộc chiến hóa học của đế quốc Mỹ luôn là nỗi ám ảnh không thể quên.
Có mặt tại chiến trường Thừa Thiên Huế - Quảng Trị năm 1968, người lính bộ binh này từng chứng kiến xe tải của Mỹ phun rải một loại hóa chất lạ tại khu vực Khe Sanh (Quảng Trị) mà chúng hay gọi là “chất khai quang”. Mỗi lần như vậy, không gian xung quanh đều bị bao phủ bởi một lớp sương mù trắng xóa và mỏng như bụi.
Ông và đồng đội không biết chất dioxin trong lớp “sương mù” kia nguy hiểm thế nào mà chỉ nghĩ nó làm chết cây cỏ mà thôi. Bất kỳ cây nào bị xịt chất này thì từ màu xanh chuyển sang màu nâu chỉ trong một đêm, như thể chúng bị khô hết. Có ai ngờ “chất khai quang” ấy lại có sức hủy diệt giống nòi và môi trường khủng khiếp đến như thế.
Năm 1973, với mảnh pháo còn găm trong lá phổi, ông ra Bắc điều dưỡng và phục viên trở về quê nhà xây dựng hạnh phúc. Nhưng mòn mỏi chờ đợi niềm hạnh phúc chẳng thấy đâu bởi ông đã bị vô sinh do nhiễm chất độc hóa học từ chiến trường. Con là niềm hạnh phúc bình dị, đời thường của các gia đình, nhưng với vợ chồng ông lại là điều không thể. Giấu nước mắt vào trong, hai vợ chồng bàn nhau xin nhận con nuôi làm chỗ dựa khi về già.
Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh còn 6.070 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó 3.735 nạn nhân trực tiếp là người có công và 2.335 nạn nhân gián tiếp là con đẻ của người có công. Họ đang hằng ngày, hằng giờ vật lộn với những căn bệnh quái ác bởi Dioxin. Có gặp gỡ, chứng kiến những nạn nhân ấy, chúng ta mới thấm thía nỗi bất hạnh của họ.
Đại diện lãnh đạo Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh tặng quà cho nạn nhân ở huyện Đoan Hùng nhân dịp kỷ niệm 59 năm thảm họa da cam.
Hậu họa dai dẳng…
Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC/Dioxin) tỉnh, khoảng 75% nạn nhân chỉ hưởng trợ cấp chất độc hóa học hàng tháng mà không có thu nhập khác trong khi tuổi cao, bệnh tật phát sinh. Hiện còn nhiều gia đình nạn nhân vẫn sống trong điều kiện khó khăn về nhà ở. Trường hợp của gia đình anh Đặng Văn Hiếu ở khu 8, xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh là một ví dụ. Bị di chứng của chất độc da cam từ bố đẻ, khi mới sinh ra, anh Hiếu đi lại rất khó khăn do xương khớp yếu. Khi lớn lên, gia đình đưa anh đi phẫu thuật thay toàn bộ hệ thống xương khớp chi dưới.
Hiện, hai vợ chồng anh và hai đứa con đang phải sống trong căn nhà lá tạm bợ, chưa đầy 40m2 thấm dột mỗi khi trời mưa. Thu nhập gia đình phụ thuộc chính vào đồng lương đi làm công nhân may của vợ và 950 nghìn đồng tiền trợ cấp da cam hàng tháng của anh. Những lúc khỏe, anh tranh thủ nhận sửa chữa đồ điện gia dụng cho người dân trong xóm để có thêm tiền nuôi hai con ăn học. Vì thế, vợ chồng anh không có khả năng xây mới thay thế căn nhà đã xuống cấp từ lâu.
Hay như gia đình thương binh, nạn nhân CĐDC Trần Đăng Ninh (sinh năm 1947) ở khu 10, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao nay vẫn sinh sống trong căn nhà cấp 4 xây cách đây gần 40 năm với phần mái dột, tường nứt toác có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất, nỗi đau về tinh thần mới khó xoa dịu. Kể từ năm 2020, Phú Thọ là một trong số 11 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện kết luận của thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về đình chỉ cắt hưởng trợ cấp hàng tháng đối với hàng trăm nạn nhân CĐDC.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại một số gia đình có nạn nhân là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC bị cắt trợ cấp trong năm qua, nhiều người đã bày tỏ nỗi băn khoăn trước Quyết định này.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Điểm (sinh năm 1954) ở xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh cho rằng trường hợp con đẻ của mình bị cắt chế độ hưởng trợ cấp hàng tháng là thiệt thòi. Từng có 4 năm trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế (1972-1976), ông Điểm không may đã bị phơi nhiễm CĐDC và đến năm 2005 được hưởng trợ cấp theo quy định. Điều khiến ông canh cánh trong lòng là người con gái út nay đã ngoài 30 tuổi bị bệnh chậm phát triển, tâm thần mức độ vừa có rối loạn cảm xúc, hành vi sau nhiều năm được hưởng chế độ trợ cấp, nay lại bị cắt.
Lý do, trong thời điểm thanh tra Bộ LĐ-TB&XH về thanh tra, rà soát tại địa phương, chị Hiền tỉnh táo không có biểu hiện của bệnh, đồng thời gia đình không xuất trình được sổ điều trị bệnh tâm thần của chị Hiền cho cơ quan chức năng. Căn cứ vào tình hình thực tế, chị Hiền buộc phải dừng hưởng trợ cấp…!
Ông Phạm Ngọc Quỳnh - Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh cho biết: “Trong số những trường hợp bị cắt hưởng trợ cấp, có những hoàn cảnh rất khó khăn. Có trường hợp bị sứt môi hở hàm ếch, khoèo chân tay, gia đình mất nhiều năm chữa trị mới hồi phục dần dần cũng bị cắt. Nhiều nạn nhân không thể chỉ sống dựa vào 950 nghìn đồng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước mà vẫn cố gắng lao động để trang trải cuộc sống cũng bị cắt”.
Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định: Quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra đã làm việc trực tiếp với từng nạn nhân. Đa số trường hợp bị cắt là do không tìm thấy dị dạng, dị tật gì hoặc có trường hợp dị tật nhưng không ảnh hưởng đến tự lực trong sinh hoạt, vẫn đi làm có lương, xây dựng gia đình. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, vấn đề này được tiến hành từng bước rất thận trọng từ cấp xã đến huyện và tỉnh. Trường hợp khó chúng tôi đã báo cáo trực tiếp với thanh tra Bộ. Đến nay, Sở tiếp nhận 17 trường hợp bổ sung các giấy tờ chứng minh có bệnh tật nặng để lập danh sách gửi thanh tra Bộ xem xét lại...
HỒNG NHUNG - ANH THƠ
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC