Trong ngày: 65
Trong tuần: 527
Lượt truy cập: 268579
Tân Sơn là huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ, được thành lập năm 2007 trên cơ sở chia tách huyện Thanh Sơn. Huyện có số dân gần 80 nghìn người, trong đó 82,3% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với diện tích tự nhiên hơn 688 km2, mật độ dân số của huyện thấp, chỉ có 111 người/km2.
Huyện hội khen thưởng các cơ sở hoạt động tốt trong năm 2020.
Trong 10 năm đầu thành lập, Tân Sơn là huyện đặc biệt khó khăn của cả nước với 14/17 xã đặc biệt khó khăn thuộc “Chương trình 135” của Chính phủ. Những năm gần đây, bằng đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của nhân dân, kinh tế - xã hội trong vùng đã có bước phát triển khá. Nhưng so với các huyện khác của tỉnh Phú Thọ, Tân Sơn vẫn là huyện nghèo nhất; mặt bằng về kinh tế và dân trí còn chênh lệch nhiều so với các địa phương vùng trung du, miền núi của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao. Tình trạng thiếu cán bộ ở một số lĩnh vực còn khá phổ biến, trong đó có cán bộ các tổ chức xã hội.
Từ đặc điểm này, khi chuẩn bị phương án nhân sự lãnh đạo hội NNCĐDC/dioxin, Huyện ủy Tân Sơn đã chọn phương án nhất thể hóa hai chức danh: Chủ tịch Hội chữ thập đỏ và Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin. Tại Đại hội Hội NNCĐDC/dioxin huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2017-2022, ông Hoàng Mạnh Tâm - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, được bầu làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện. Ở xã, một số nơi do thiếu cán bộ, cũng thực hiện việc nhất thể hóa hai chức danh này.
Được Hội tặng bò giống cách đây 3 năm, đến nay, gia đình nạn nhân Hà Thanh Diên ở xã Tân Sơn, từ hộ cận nghèo, với sự giúp đỡ của địa phương và của Hội, đến nay đã xây được nhà, đời sống cải thiện rõ rệt.
Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tân Sơn hiện có 15 chi hội/17 xã (hai xã Vinh Tiền và Xuân Sơn không có hội viên). Tổng số hội viên là 202 người. Từ đại hội lần thứ II đến nay, hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tân Sơn và 15 chi hội cơ sở đã đi vào nền nếp; công tác quản lý, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có chuyển biến tích cực.
Với sự phối hợp của một số cơ quan, tổ chức, nhất là Phòng Lao động, thương binh và xã hội, Hội CCB; đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và việc huy động các nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có hiệu quả hơn. Vào các dịp lễ, tết như Tết nguyên đán, kỷ niệm ngày toàn thắng 30-4, ngày TBLS 27/7, ngày thảm họa da cam 10/8, ngày thành lập QĐND 22/12; tùy điều kiện, Hội và các tổ chức, đoàn thể đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao xe lăn, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách; trong đó có hội viên CCB, nạn nhân CĐDC/dioxin; với tổng trị giá mỗi năm xấp xỉ 100 triệu đồng. Tân Sơn vừa ra khỏi tình trạng huyện nghèo nhất nước, nhưng số hộ nghèo và cận nghèo ở xã nào cũng có. Vì vậy, một trong các mối quan tâm của Hội là tạo sinh kế để gia đình NNCĐDC cũng như hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống một cách bền vững. Ngoài việc cho vay vốn sản xuất nhỏ với mức từ 3-10 triệu đồng/hộ hội viên; Dự án “ngân hàng bò” do Hội chữ thập đỏ quản lý không chỉ hướng tới hộ nghèo mà cả gia đình có NNCĐDC. Cái hay của dự án này là đã tạo vốn bằng con giống để các hộ chăn nuôi bò sinh sản, tăng thu nhập, khai thác lợi thế tự nhiên của vùng núi nhiều thức ăn xanh cho gia súc. Ngoài dự án “ngân hàng bò”cho hộ nghèo nói chung, Huyện hội còn vận động nguồn lực, mua bò tặng 2 gia đình nạn nhân da cam với trị giá 44 triệu đồng.
Ông Đoàn Quốc Bảo- Trưởng chi hội xã Minh Đài, vừ công tác hội tích cực, vừa làm kinh tế giỏi.
Chúng tôi cùng ông Hà Mạnh Tâm - đồng chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin và Hội chữ thập đỏ huyện đến các xã thăm một số gia đình nạn nhân. Đi đến đâu, ông Tâm cũng kể vanh vách gia cảnh từng gia đình mà Hội đã trợ giúp. Thăm gia đình nạn nhân Hà Thanh Diên ở xã Tân Sơn, được biết, từ hộ cận nghèo, với sự giúp đỡ của địa phương và của Hội, đến nay, gia đình ông Diên đã xây được nhà, đời sống cải thiện rõ rệt. Trò chuyện vui vẻ nhưng chúng tôi vẫn thấy trên gương mặt người CCB 76 tuổi phảng phất nỗi buồn lo về tương lai của người con trai hơn 40 tuổi chưa vợ đang bị di chứng chất độc da cam khi bố mẹ ngày càng già yếu! Cũng như với ông Diên ở xã Tân Sơn, bò giống mà Hội trao cho đôi vợ chồng Trần Thị Bưởi – Hà Quang Huyện ở xã Mỹ Thuận ba năm đã cho 2 bê con. Anh chị đã có ngôi nhà xây nhỏ xinh và 1 bé trai 5 tuổi. Không chỉ hai gia đình ở Tân Sơn, Mỹ Thuận, qua lời kể của anh chị em làm công tác Hội đã giúp chúng tôi mường tượng được ngọn lửa hạnh phúc đã được nhen lên từ tàn tro di chứng chiến tranh của các CCB- nạn nhân da cam ở các xã trong huyện!
Bò nái của gia đình anh Hà Quang Huyện ở Xã Mỹ Thuận do Hội trao tăng giờ không ngừng sinh sôi
Mặc dù bệnh tật, sức khỏe giảm sút nhưng nhiều nạn nhân là CCB, cựu TNXP vẫn nhiệt tình tham gia công tác Hội, điển hình như ông Đoàn Quốc Bảo – Trưởng chi hội xã Minh Đài. Đây là cơ sở dẫn đầu toàn huyện về công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và xây dựng quỹ Hội. Tuy số hội viên không nhiều nhưng hiện nay chân quỹ của chi hội đã đạt gần 23 triệu đồng. Không chỉ nhiệt tình hoạt động Hội, ông Bảo và gia đình còn làm kinh tế rất khá. Với mô hình sản xuất đa dạng, cả trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ, mỗi năm gia đình có tích lũy hàng trăm triệu đồng, nêu tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh trong Hội nạn nhân da cam và Hội cựu TNXP xã Minh Đài. Tương tự trường hợp ông Bảo ở Minh Đài, chi hội trưởng các xã: Văn Luông, Tam Thanh cũng là những cán bộ - nạn nhân nhiệt tình với công tác Hội, có tín nhiệm với cấp ủy, chính quyền và hội viên ở địa phương. Ở một số xã, do tình trạng thiếu cán bộ nên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, mặc dù không phải là nạn nhân nhưng khi được giao thêm trọng trách Chủ tịch Hội NNCĐDC đã phát huy tinh thần nhân đạo trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, xây dựng lòng tin của các nhà hảo tâm để có nguồn lực giúp đỡ NNCĐDC và người nghèo, gia cảnh khó khăn.
Đánh giá về nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin, đại diện Thường trực Huyện ủy Tân Sơn cho rằng: Trước hết phải khẳng định, về tổ chức và hoạt động của hai hội hoàn toàn độc lập; mỗi hội đều có vai trò, chức năng, nhiệm vụ riêng. Nhưng nhìn tổng thể, hoạt động của hai hội có nét tương đồng là cùng hướng tới các đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Các NNCĐDC trực tiếp tham gia kháng chiến là đối tượng người có công, đều được hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ của Nhà nước; những nạn nhân là con, cháu người có công cũng đã và đang được quan tâm, luôn nhận được sự chăm sóc từ cộng đồng. Vì vậy, hiện nay, ở Tân Sơn, không có gia đình nạn nhân nghèo, số hộ cận nghèo đang giảm nhanh. Họ luôn được ưu tiên hơn trong các chương trình an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện để có đời sống ổn định. Điều đáng nói là Hội Chữ thập đỏ là một trong các tổ chức phối hợp và hỗ trợ đắc lực Hội NNCĐDC/dioxin. Kết quả của chương trình vận động “Tết vì người nghèo và NNCĐDC” được điều tiết, giúp đỡ đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh. Hoạt động của hai hội không có những “vênh, lệch” mà luôn phối hợp chặt chẽ và hiệu quả. Phương án nhất thể hóa hai chức danh tuy không giảm đầu mối nhưng giảm số lượng cán bộ, khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác Hội NNCĐDC.
NGUYỄN SẢN
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC