Đang truy cập: 40
Trong ngày: 71
Trong tuần: 1622
Lượt truy cập: 273033

NGƯỜI ĐẢNG VIÊN THƯƠNG BINH GƯƠNG MẪU.

Đầu năm 1965, khi giặc Mỹ thua to ở các chiến trường miền Nam,  chúng điên cuồng sử dụng lực lượng không quân ném bom, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Lúc này, mới 16 tuổi nhưng chàng thanh niên Nguyễn Hồng Dậu đã xin gia nhập đội dân quân thôn Nhuận trạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

z2590388472901_ff58dd5ec58f78259ebd44f90855597f

Thương binh Nạn nhân CĐDC/dioxinn Nguyễn Hồng Dậu cùng thủ trưởng đơn vị cũ- Trung tướng Khuất Duy Tiến

z2590484946952_6f4e4ed737904cd7482989a6c2a7dee0

Nguyễn Hồng Dậu cùng đồng đội và cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ

Đội dân quân có 10 người, cả nam và nữ, ngày đêm thay nhau trực chiến trong công sự được xây dựng trên một quả đồi cuối thôn. Nhiệm vụ của đội dân quân là canh gác, đón lõng lũ giặc trời, chờ khi chúng hạ thấp độ cao, bổ nhào đánh bom khu công nghiệp Việt Trì thì nổ súng. Bằng lưới lửa phòng không dày đặc của quân và dân ta, không quân Mỹ nhiều lần hoảng sợ, vội vã cắt bom không trúng mục tiêu, vọt lên tháo chạy.

   Thời gian này ở chiến trường miền Nam, cuộc chiến của quân và dân ta với kẻ địch ngày càng khốc liệt. Bao lớp lớp trai tráng miền Bắc hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu. Hòa trong không khí sục sôi ấy, đầu năm 1967, Nguyễn Hồng Dậu xung phong nhập ngũ. Anh được phiên chế vào đơn vị C16 E64 F320 ( Sư đoàn Đồng Bằng), huấn luyện bắn súng  hỏa lực DKZ.

Hết thời gian huấn luyện, tháng 11 -1967, tại một địa điểm trong rừng Cúc Phương (Ninh Bình) đơn vị đã làm lễ xuất quân, bắt đầu cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn. Cuộc hành quân dòng dã hơn 40 ngày đêm, ngày đi, đêm nghỉ, thực sự là một thử thách đầu tiên  với những người lính trẻ. Với vóc dáng bé nhỏ: cao 1,58 m, nặng 44 kg, vậy mà khi hành quân, ngoài tư trang cá nhân là chiếc ba lô và bao gạo nặng khoảng 25 kg, tiểu đội 12 người còn phải mang theo một khẩu súng DKZ nặng 85 kg và bốn hòm đạn, mỗi hòm nặng 17 kg . Khẩu DKZ phải tháo rời ra làm ba bộ phận: Nòng súng nặng 45 kg, giá súng nặng 24 kg, hai bánh xe nặng 16 kg. Cứ thế 12 chiến sĩ thay nhau mang vác. Theo các chiến sĩ giao liên dẫn đường, ngoài việc trèo đèo, lội suối, mở đường đi vòng, tránh trận địa bom mìn hết sức gian nan, các anh còn phải thường xuyên ngụy trang, ẩn nấp, tránh máy bay trinh sát của địch, cũng như tránh những trận bom trút xuống hòng chặn con đường hành quân, tiếp viện từ hậu phương ra tiền tuyến. Trong cuộc hành quân vượt rừng ấy cũng có những đồng chí hy sinh hoặc bị thương, bị sốt rét rừng hành hạ không thể đi tiếp phải ở lại. Vất vả, gian nan là thế nhưng tất cả ai cũng một lòng hướng tới tiền phương.

Trận đánh đầu tiên mà anh tham gia là trận phục kích tiêu diệt một đại đội lính Mỹ trên đường 9 (Quảng Trị), khi bọn chúng hành quân tăng cường cho đồn Cam Lộ. Từ 2 đêm trước, bộ đội của ta đã bí mật đào hầm trú ẩn trên đồi 288, cách đường 9 khoảng 500 m và cách đồn Cam Lộ khoảng 800 m. Từ điểm cao này, đại đội hỏa lực của anh đã bố trí 4 khẩu DKZ nhằm hướng đường 9, bắn thẳng vào đội hình hành quân và những chiếc xe bọc thép, xe vận tải quân sự của chúng. Phương án là vậy nhưng khi hành quân đến gần điểm phục kích của ta, bọn chúng bố trí đội hình đi giãn cách nhau 5 m. Tình huống thay đổi, nếu dùng hỏa lực bắn vào đội hình địch như vậy thì tỉ lệ sát thương rất ít. Vì thế các anh nhận lệnh của Đại đội trưởng Vũ Xuân Tính chưa được nổ súng, chờ chúng đến bãi đất trống gần cổng đồn, cách nơi phục kích của đại đội hỏa lực khoảng 600 m - nơi chúng thường tập hợp đội hình trước khi vào đồn, lúc đó mới được nổ súng. Đại đội trưởng Tính ra lệnh cho các chiến sĩ đổi hướng hai khẩu DKZ quay về phía bãi đất trống . Hai khẩu còn lại nhằm đường 9 hướng về những chiếc xe bọc thép và xe tải chờ chúng tới gần. Khi bọn lính Mỹ đã đến bãi đất trống, đang co cụm tập hợp thì đại đội trưởng ra lệnh nổ súng. Cả bốn khẩu DKZ  đồng loạt nhả đạn. Trận địa pháo cối của ta gần đó phối hợp bắn cấp tập về phía quân địch. Tiếng đạn réo qua đầu vèo vèo. Bọn Mỹ bị bất ngờ, không kịp trở tay. Nhiều tên trúng đạn ngã xuống như ngả rạ. Hai trong số 5 chiếc xe bọc thép và xe vận tải quân sự bị trúng đạn cháy tại chỗ, còn 3 chiếc kia vội tăng tốc tháo chạy. Phải sau khoảng 2-3 phút đồng hồ, quân địch mới kịp phản công. Chúng bắn như mưa vào đội hình quân ta. Đại đội trưởng ra lệnh cho bộ đội ngừng bắn, rút xuống hầm trú ẩn. Lúc này máy bay địch bỗng từ đâu xuất hiện. Chúng ném bom khắp quả đồi 288. Nhiều căn hầm của quân ta đang trú ẩn bị bom Mỹ ném trúng, hất tung nắp hầm. Trong tình huống ấy, bộ đội ta phải nằm im trong hầm trú ẩn cả ngày trời, chờ đến sẩm tối mới bí mật rút quân về một khu rừng cách đó không xa, anh em bộ đội lúc ấy gọi là "rút về Kiềng" để củng cố lại lực lượng. Trong trận đánh này cả một đại đội lính Mỹ gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Về phía đại đội hỏa lực của Nguyễn Hồng Dậu có hai chiến sĩ hy sinh và một chiến sĩ bị thương…

Suốt từ năm 1969 đến năm 1974, Nguyễn Hồng Dậu không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh, anh chỉ nhớ mình bị thương tất cả 3 lần. Hai lần trước may mắn chỉ bị thương nhẹ, sau ít ngày điều trị ở bệnh xá lại tiếp tục xin quay lại đơn vị chiến đấu, nhưng lần bị thương thứ 3 trong một trận đánh chống quân Ngụy lấn chiếm tại đường 21 Gia Lai vào ngày 17 tháng 04 năm 1974 là dấu mốc không thể quên. Lần này anh bị thương rất nặng, khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong viện Quân y 211 ở Gia Lai. Mảnh đạn pháo găm khắp người, chi phải bị bay mất một mảnh xương cẳng chân. Điều kiện ở chiến trường không thể nối lại được, bác sĩ đành phải cho nẹp lại. Vì thế mà chân phải của Nguyễn Hồng Dậu ngắn hơn chân trái 7 cm. Bàn tay phải - cái bàn tay đã từng bao lần siết cò súng, găm những viên đạn vào đầu kẻ thù - thì giờ đây bị co quắp, dính chặt lại với nhau không thể cầm nổi chiếc thìa xúc cơm.

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, cuối tháng 5 năm 1975, anh cùng những đồng đội bị thương khác được chuyển ra Bắc về Đoàn an dưỡng 587 Hà Tây điều trị. Năm 1977, sau khi giám định thương tật với tỷ lệ mất sức 81%, anh được đơn vị giải quyết cho ra quân và được chuyển về Khu điều dưỡng thương binh Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) nuôi dưỡng.  Đến năm 1982, anh lại được chuyển về Khu điều dưỡng thương binh 5 tỉnh Vĩnh Phú (nay là Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ) rồi xây dựng gia đình, định cư ở đây.

Giờ đây khi đã là ông già 72 tuổi, mái tóc đã điểm bạc, vết thương chằng chịt trên cơ thể nhưng gương mặt ông vẫn rất rắn giỏi. Mỗi khi nhắc lại thời trai trẻ và cuộc chiến đấu năm xưa, ánh mắt của ông lại ánh lên niềm vui, niềm tự hào cùng giọng nói đầy sôi nổi.

Tôi hỏi ông trong số những trận đánh mà anh đã từng tham gia kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất?  Ông cười hiền hậu: -Nhớ nhất là trận đánh đầu tiên. Mặc dù đã trực tiếp tham gia chiến đấu khi còn là dân quân nhưng lúc đó chỉ là cầm khẩu súng K44 bắn lên trời đón đầu máy bay lúc nó bay xẹt qua ngang đầu, mà phần lớn cũng chỉ là bắn doạ nó để nó không dám bổ nhào ném bom trúng mục tiêu thôi! Còn trận đánh đầu tiên ở đường 9 thì tôi chỉ cách những tên lính Mỹ gần nhất chừng hơn trăm mét, bằng mắt thường cũng nhìn thấy bọn Mỹ to cao, mặc quần áo rằn ri, đội mũ sắt, có thằng lông lá đầy mặt. Chúng đi đứng rất nghênh ngang. Hồi hộp nhất là lúc nằm phục kích chờ chúng tới gần, có anh còn tè cả ra quần. Còn khi đã nổ súng, đạn pháo, đạn cối của cả ta và địch bay vèo vèo qua đầu thì hết hồi hộp. Nhất là khi bắn trúng đội hình địch anh nào cũng rất phấn khích. Nhưng khi tiếng súng tạm ngưng, nhìn lại trận địa, hầm hố bị đạn bom cày nát; đồng đội của mình người hy sinh, người bị thương, máu me loang lổ khắp người thì quả thật thấy rất sợ. Không dám nói ra nhưng ai cũng nghĩ có thể ngày mai mình sẽ bị thương hoặc hy sinh! Sợ lắm chứ! Lúc đó mình chưa đầy 19 tuổi mà, đã biết "mùi đời" là gì đâu!  Nói đến đây, ông Dậu cười khoái chí. Còn trận đánh ác liệt nhất cũng là trận đánh nổi tiếng trong lịch sử mà mình được tham gia chính là là trận đánh vào Sở chỉ huy Lữ đoàn dù, bắt sống đại tá Thọ, Lữ đoàn trưởng ở đường 9 Nam Lào. Trận này đích thân Trung đoàn trưởng trung đoàn 64 Khuất Duy Tiến chỉ huy. Còn ông Phùng Quang Thanh (Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng) lúc đó mới là Trung đội trưởng một trung đội bộ binh. Trận này thì nổi tiếng, ai cũng biết. Mình được vào tận căn hầm - nơi ở của đại tá Thọ, lại được thu chiến lợi phẩm, thịt cá hộp, bánh kẹo, đường sữa… cùng anh em  ăn uống thoải mái. Tiếc là khi quân địch phản công, chúng ném bom cả ngày vào căn cứ, cấp trên ra lệnh cho bộ đội rút ra, không mang theo được gì! Ông lại cười vui rồi nói tiếp: -Anh em CCB trong đại đội 16 hỏa lực của tôi ngày ấy hy sinh rất nhiều. Anh em còn sống, mỗi năm vẫn tổ chức gặp mặt nhau một lần. Cũng nhiều lần chúng tôi tổ chức đón Trung tướng Khuất Duy Tiến - thủ trưởng trung đoàn cũ đến dự. Cụ vẫn khỏe lắm, giọng nói vẫn sang sảng. Gặp lại lính cũ lúc vào sinh ra tử, cụ rất vui…

 Qua câu chuyện kể từ những ký ức của ông Nguyễn Hồng Dậu, phần nào tôi cũng hình dung ra sự gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ  kéo dài đến 21 năm. Bản thân tôi, thế hệ hậu sinh, nhập ngũ tháng 3 -1983 , tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Tuyên - chiến trường được mệnh danh là " lò vôi thế kỷ". Hàng ngàn đồng đội của tôi cũng đã hy sinh hoặc trở về trên mình đầy thương tật hoặc trên chiếc xe lăn như tôi, nhưng thành tích chiến đấu và sự hy sinh, gian khổ so với ông, những người lính thời đánh Mỹ thì cũng chả là gì cả. Bởi thời chúng tôi, nước ta đã có Luật nghĩa vụ quân sự, nghĩa là chúng tôi chỉ phục vụ trong quân ngũ 3 năm (không quá 6 tháng), rồi được ra quân trở về với gia đình, quê hương. Còn những người lính thời đánh Mỹ như ông Dậu thì khi đã vào bộ đội, họ phải chiến đấu triền miên, hết trận đánh này đến trận đánh khác, chiến đấu đến khi nào đất nước được giải phóng họ mới trở về hoặc mãi mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ.

z2590388480312_c9673e5e0dbf17f76787ea6a8bb2e06b

Đây là Bằng chứng nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, chỉ hai năm nữa ông Dậu sẽ được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng

Điều đặc biệt khiến tôi cảm phục ông chính là, chưa đầy 7 tháng tuổi quân và chưa đủ 19 tuổi đời, ông đã được kết nạp vào Đảng. Thời đó, để phấn đấu trở thành đoàn viên đã khó, còn được kết nạp Đảng trong Quân đội như ông thì phải thực sự gương mẫu, gan dạ, dũng cảm mới có được vinh dự ấy. Về chuyện này, ông Dậu chia sẻ: Thời đó để được kết nạp vào Đảng là một quá trình phấn đấu liên tục, không mệt mỏi. Dù thử thách có khó khăn , gian khổ đến mấy thì cũng phải quyết tâm vượt qua, dẫu có phải hy sinh cả tính mạng của mình. Tuy nhiên, vì trước đó tôi đã có 2 năm rèn luyện và thử thách trong lực lượng dân quân xã nên các thử thách với tôi không còn là quá khó. Thực ra, năm ấy, nếu không nhập ngũ thì tôi cũng chuẩn bị được kết nạp Đảng ở địa phương. Nhưng khi tôi xung phong nhập ngũ, địa phương không kịp làm thủ tục kết nạp Đảng, nên đã chuyển hồ sơ của tôi cho đơn vị quân đội tiếp tục theo dõi. Chính vì vậy mà khi qua 6 tháng theo dõi và thử thách, tôi được đơn vị kết nạp vào Đảng. Lúc đó tôi vẫn chỉ là anh lính binh nhì! Vinh dự thì vinh dự thật nhưng đảng viên trẻ như tôi cũng không tránh khỏi những áp lực. Đã là đảng viên rồi thì lúc nào mình cũng phải xung phong đi đầu gương mẫu để anh em khác noi theo. Nếu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ thì bao giờ các đồng chí là đảng viên cũng phải kiểm điểm trước tiên. Trong chiến đấu, biết rằng có thể phải hy sinh cả tính mạng của mình nhưng cũng không một phút được chần chừ hay do dự. Chính vì thế, dù đã bị thương hai lần, nếu sợ chết có thể lấy cớ thoái thác để được trở về hậu phương; nhưng tôi thì không thể làm như vậy. Khi điều trị vết thương mới tương đối ổn định, tôi đã xin bác sĩ cho tôi về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Chỉ đến khi bị thương thứ 3, mất sức chiến đấu hoàn toàn tôi mới chấp nhận ra quân về Khu điều dưỡng. Giờ đây lắm lúc nghĩ lại cũng cảm thấy "mình phục mình thật…! Năm nay đã 72 tuổi đời, 54 tuổi Đảng, sắp "gần đất xa trời" rồi nhưng tôi vẫn một lòng sắt son vững tin vào Đảng, vững tin vào chế độ mà Bác Hồ và Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Cứ nhìn vào sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua và sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp, tôi càng vững tin, vào điều đó.

z2590388466366_d7b38e8f24c338be1593632ebb53fbf7

z2590484952177_4601f8bdb8ff42f86fc3e3466771951b

z2590490798093_36948a3302e19ce5a02be5da8417da74

Ông Nguyễn Hồng Dậu trong một số lần kể chuyện truyền thống với học sinh các trường học và các cuộc giao lưu ở Phù Ninh, thị xã Phú Thọ

 Xin thông tin thêm với bạn đọc, gia đình đảng viên Nguyễn Hồng Dậu có bốn người con – cả dâu, giai, gái, rể đều là đảng viên và đều công tác trong các cơ quan của nhà nước và quân đội. Con gái cả của ông là Nguyễn Thị Thanh Huyền, hiện là trung úy quân y, công tác tại Lữ đoàn 406, Quân khu 2; con rể của ông (đã mất do tai nạn giao thông), trước đây là quân nhân chuyên nghiệp; con trai ông là Nguyễn Xuân Hanh, hiện là Phó trưởng phòng y tế và phục hồi chức năng của Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ; con dâu ông là Vũ Thị Thùy Trang, là cán bộ Hội LHPN thị xã Phú Thọ. Ông bà và các con cháu sống với nhau rất đầm ấm và hạnh phúc. Bản thân ông thường xuyên được các địa phương, tổ chức, đoàn thể, trường học mời đến nói chuyện truyền thống cách mạng, nói về tấm gương "Anh bộ đội Cụ Hồ" và tấm gương thương binh " tàn nhưng không phế".

Ngoài chế độ thương binh nặng được nhà nước nuôi dưỡng, ông Nguyễn Hồng Dậu còn được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.     

Tạm dừng câu chuyện với ông, lòng tôi cứ lâng lâng cảm xúc. Vâng, chính ông - người thương binh nặng, người đảng viên cao tuổi vẫn hàng ngày sống ngay bên cạnh tôi cung ba chục thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ chứ không phải ai khác, đã củng cố niềm tin trong tôi. Tôi - một CCB, một bệnh binh nặng, mặc dù chưa có vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng cũng như ông, tôi một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào chế độ xã hội chủ nghĩa.  Bởi suy cho cùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta suốt đời hy sinh phấn đấu cũng chỉ là vì mục tiêu:Bảo vệ toàn vẹn Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm sao cho "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Gò Gai tháng 6/2021

Thương binh Vũ Đình Tiến

Hội viên Hội liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ.

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng


Tên sản phẩm 1
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 2
 
liên hệ
Tên sản phẩm 3
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 4
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 5
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 6
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 7
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 8
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 9
 
990.000 VND
Tên sản phẩm 10
 
990.000 VND

HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ

Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn

Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC