Trong ngày: 20
Trong tuần: 203
Lượt truy cập: 256602
Chừng gần 1 tháng trước, tôi cùng một người bạn làm công tác khoa học về xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, gặp lương y Phạm Thành Tô để tìm hiểu về một số bài thuốc của ông liên quan đến điều trị các bệnh do nhiễm vi-rút, trong đó có những ca mà bệnh nhân và người nhà đã từng chạy chữa tứ phương, gạn niềm “hy vọng” đến giọt cuối cùng, đành phải về nhà với một phần nghìn tia hy vọng!
Các cuộc trò chuyện với Lương y Phạm Thành Tô
Trước cuộc trò chuyện với lương y Phạm Thành Tô lần này, tôi đã vào trang cá nhân Thanh To Pham trên mạng xã hội, đọc những trao đổi giữa ông và bạn Facebook đang sống khắp các vùng, có cả người Việt sống ở Mỹ, Pháp về bệnh tật; trong đó có cả một video dài về ông đăng tải trên Pháp luật TV. Còn anh bạn tôi cũng đã lưu tâm tìm hiểu, gặp gỡ một số ca bệnh hoặc những người được chứng kiến tình trạng bệnh nhân từng điều trị bằng Đông y… để tìm câu trả lời cho những điều kỳ diệu “Nam dược trị Nam nhân” như Danh y Tuệ Tĩnh từng khẳng định!
Lại nhớ, hồi đầu năm nay, tôi đã bỏ ra 550 nghìn đồng để mua cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” lần tái bản thứ 16 của Giáo sư. TS Đỗ Tất Lợi, để tìm hiểu thêm về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, công dụng của các cây thuốc, vị thuốc liên quan; thay vì cuốn cũ, dùng lâu bị nhầu nát, khó đọc. Từ mối liên hệ khoa học giữa dược liệu với căn bệnh và môi trường theo quan điểm của Đại danh y Tuệ Tĩnh, nhân dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, tôi nghĩ tới một số bài thuốc y học cổ truyền từng được nhắc đến trong bộ sách “Nam dược thần hiệu” của ông Tổ thuốc Nam.
Mọi người đều biết rằng, sức khỏe con người, hay nói cách khác là tình trạng bệnh tật, chịu sự tác động của môi trường, lối sống (bao hàm cả cách dưỡng sinh) và nhiều yếu tố khác. Dù y học và khoa học của nhân loại đã rất phát triển nhưng loài người vẫn phải “khuất phục” trước nhiều dịch, bệnh. Chẳng hạn với dịch Covid-19 hiện nay đã có hơn 4 triệu người trên hành tinh thiệt mạng, ở nước ta con số này cũng đã xấp xỉ 22.000! Mặc dù chúng ta đã huy động tổng lực để chống dịch, trong đó những chiến sĩ áo trắng ưu tú nhất, những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất “vào trận” nhưng những tổn thất về người vẫn quá lớn. Trong lực lượng hùng hậu của ngành Y tế, y học hiện đại là chủ công, là mũi nhọn nhưng dường như y học cổ truyền chưa được chú ý nhiều.
Hệ thống sắc và đóng gói thuốc sắc của Lương y Phạm Thành Tô
Bằng chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN "Nghiên cứu, đánh giá khả năng chữa bệnh HIV/AIDS bằng bài thuốc dân tộc của Lương y Nguyễn Thành Tô.
Có khá nhiều điều thú vị trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và lương y Phạm Thành Tô hôm ấy, trong đó có việc ông Tô cắt nghĩa một cách giản đơn về cơ chế phát sinh và tồn tại của một số chứng, bệnh, khiến tôi liên tưởng đến nội dung các trước tác của Danh y Tuệ Tĩnh và tác phẩm của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi mà mình bước đầu khám phá.
Phải nói là Lương y Phạm Thành Tô có niềm đam mê y học cổ truyền hiếm thấy. Thân sinh của ông là một đại tá Quân đội, có nhiều năm tháng gối đất, nằm sương giữa bạt ngàn rừng Trường Sơn, Tây Nguyên. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của chiến trường, ông đã tìm hiểu, học hỏi từ đồng bào dân tộc các bài thuốc Nam để chữa bệnh cho mình và đồng đội. Khi nghỉ hưu ở quê nhà, người CCB ấy vẫn không dứt khỏi những bài thuốc kỳ diệu từ cây cỏ vườn nhà. Khi vị cựu sĩ quan qua đời, anh con trai Phạm Thành Tô đã thừa kế gia tài kinh nghiệm, kiến thức từ cha để tiếp tục trị bệnh cứu người.
Nhưng ở đời cũng có những điều chưa thật công bằng. Một anh nông dân Nam Bộ chế tạo máy bay, một người thợ cơ khí sáng chế máy thái sắn, sản phẩm là có thật nhưng để công nhận thành quả nghiên cứu thì rất phiền toái, có khi chỉ bởi những người này còn “kém” hàng trăm tiến sĩ, kỹ sư ở khoản bằng cấp! Phạm Thành Tô cũng vậy, cả một thời gian dài ông đã điều trị thành công cho không ít ca bệnh hiểm nghèo, mà bằng chứng còn lại là những mối quan hệ ân tình “sống Tết, chết giỗ”, là cuốn sổ dày những lời cảm ơn, cảm tạ chân thành, nhưng đó vẫn là hành nghề không bằng cấp.
Để được thêm kiến thức, để có thể hành nghề một cách đàng hoàng trong vị thế một lương y, sáu mươi tuổi, Phạm Thành Tô vẫn quyết chí học hành. Năm 2017, ông tốt nghiệp chuyên ngành Y học cổ truyền hệ Trung cấp Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ!
Những kiến thức từ trường y cộng với những tích lũy thực tiễn đã cho Phạm Thành Tô vốn liếng đủ để lý giải một cách thuyết phục chúng tôi về một số vấn đề. Chẳng hạn, bệnh viêm gan siêu vi trùng hay các bệnh cúm thường gặp đều nguyên nhân là cơ thể bị vi-rút tấn công. Vi-rút hay bất kỳ sinh vật nào cũng đều cần một môi trường thuận lợi để phát triển. Chữa cúm, hay nói cách khác là khắc chế vi-rút chính là tạo môi trường cơ thể (nội môi) bất lợi cho chúng. Đông y điều trị bệnh theo nguyên lý ấy. Ngay cả người bị HIV/AIDS, bị bệnh dại cũng là do vi-rút tấn công vào cơ thể qua lây nhiễm, bị súc vật cắn. Nếu chúng ta có vắc-xin hay thuốc vô hiệu hóa vi rút thì đó không còn là căn bệnh vô phương cứu chữa!
Lương y Phạm Thành Tô chưa chia sẻ với chúng tôi về những bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh về vi-rút, nhưng về nguyên lý, ông khẳng định các dược liệu được ông sử dụng có tác dụng dược lý và công dụng như sách của cụ Đỗ Tất Lợi, còn gia giảm liều lượng mỗi loại ra sao, đó là bí quyết của mỗi lương y.
Trong y văn hiện đại, HIV/AIDS, bệnh dại và một số loại ung thư… vẫn nằm trong danh mục bệnh hiểm nghèo, nhưng nếu được phát hiện sớm, nếu được được điều trị và hỗ trợ điều trị kịp thời và bằng Đông - Tây y kết hợp, thì trong tình thế hiểm nghèo vẫn có thể lóe lên hy vọng sống.
Đãi chúng tôi bữa cơm quê, khi khách ra về, Phạm Thành Tô không quên gửi chúng tôi một ít thuốc sắc đóng trong túi Nilon cùng mấy lít nước thuốc còn nóng hôi hổi đựng trong can nhựa với lời dặn dò khiêm nhường: Thuốc sắc sẵn có tác dụng thanh lọc cơ thể, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, dùng hàng ngày; thuốc trong can thì pha thêm nước ấm để uống hoặc súc miệng, rửa mũi phòng dịch, rất hiệu nghiệm đấy!
Dọc đường về tôi vẩn vơ ý nghĩ cách hỗ trợ điều trị một số bệnh bằng Đông y và những bài thuốc của Lương y Phạm Thành Tô. Tôi mừng cho ông có được mẹ già ngót trăm tuổi đời, 74 năm tuổi Đảng mà vẫn khỏe mạnh, hàm răng đen rưng rức, ngày nối ngày vẫn cùng con dâu chăm sóc khu vườn thuốc rộng mênh mông và băm, phơi cây dược liệu. Cuộc trò chuyện với lương y mang đến cho tôi nhiều điều bổ ích. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch được phổ biến trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội gần đây, có không ít những bài thuốc và kinh nghiệm y học cổ truyền!
Cổ nhân có câu “Thân cường - tật nhược” - nếu có sức khỏe, sức đề kháng tốt thì bệnh tật cũng phải đầu hàng. Tự nhủ mình hãy nhớ bài học dưỡng sinh trong việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ đã được Tuệ Tĩnh khái quát trong 14 chữ để có “thân cường” ở tuổi ngót bảy mươi:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Bài và ảnh: NGUYÊN SẢN
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC