Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích công tác Hội tại đại hội Hội NNCĐ DC huyện Thanh Sơn
Xuất phát từ nhu cầu chính đáng của nhân dân, những năm qua, nhiều hội đã được thành lập theo quy định của pháp luật. Cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 đoàn thể chính trị xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) đã định hình về số lượng, các hội quần chúng cũng phát triển cả về số lượng và hình thức hoạt động. Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn về tổ chức hội, với quan điểm chỉ đạo là: tổ chức và hoạt động của hội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ pháp luật; hoạt động theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân, tương ái; nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí; Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hội căn cứ vào hoạt động và thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao; xây dựng tổ chức hội theo hướng: tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, ở cấp Trung ương có 28 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (hội có tính chất đặc thù) và 03 hội được hưởng chế độ như đặc thù; 26/28 hội (trừ Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam) được giao 686 biên chế; 10 hội có tổ chức đảng, đoàn. Ở các địa phương có 27.159 hội được Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố công nhận (cấp tỉnh: 937 hội, cấp huyện: 3.599 hội, cấp xã: 22.623 hội); được giao 12.738 suất biên chế, định biên và hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Quá trình hoạt động, các hội đã phát huy vai trò, tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân; giám sát, tư vấn và phản biện xã hội; huy động các nguồn lực theo hình thức xã hội hóa để khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết những khó khăn cho hội viên; mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân,... góp phần vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước.
Đối với Hội NNCĐDC/dioxin cấp tỉnh, huyện, kinh phí hoạt động được Nhà nước hỗ trợ một phần thông qua việc giao biên chế, định biên, giao dự án, nhiệm vụ... Tuy nhiên, do cách hiểu và thực hiện khác nhau nên hội ở các tỉnh, thành phố, huyện, xã được tổ chức theo nhiều mô hình khác nhau, không thống nhất; có tỉnh có biên chế, có tỉnh không; một số tỉnh hội chuyển từ việc giao biên chế sang chế độ khoán hoặc giao định biên để hội tự ký hợp đồng làm việc... Những hội thành lập sau khi có Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động hội thường không có biên chế, không được hỗ trợ kinh phí hoạt động, nên rất khó khăn trong hoạt động. Hơn nữa, việc tổ chức sáp nhập hội cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tổ chức hội càng trở lên thiếu thống nhất, thậm chí là bất cập, chưa hợp lý; trong khi đó số cán bộ chuyên trách làm công tác hội còn mỏng, một số cán bộ chủ chốt còn kiêm nhiệm,... Về chế độ, chính sách cũng còn bất cập, một số nhân viên không rõ là công chức hay viên chức; chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo cũng khác nhau, phát sinh bất cập. Cơ chế tài chính, tiêu chuẩn, cơ sở định mức thiếu tính đồng bộ, mỗi hội một kiểu khác nhau,... Việc tạo điều kiện hỗ trợ trụ sở làm việc cũng khác nhau, chưa có tiêu chí cụ thể; có hội có trụ sở; có hội được hỗ trợ kinh phí để thuê nơi làm việc; có hội nhờ trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,...
Qua khảo sát ở một số Hội NNCĐDC/dioxin cấp tỉnh cho thấy, số lượng cán bộ, nhân viên rất khác nhau; số được biên chế, hợp đồng cũng khác nhau. Ví dụ: Tỉnh hội Thái Bình có tổng số 18 người (trong đó cơ quan Tỉnh hội: 12 người, Trung tâm Tẩy độc: 6 người, Trung tâm Dạy nghề: 2 người); Tỉnh hội có 3 biên chế là công chức nhà nước và mỗi huyện có 01 biên chế. Tỉnh hội Phú Thọ do sở Nội vụ quản lý, không có biên chế, có 2 suất định biên; 8/13 huyện có hỗ trợ 1 suất định biên (8 huyện hội thành lập trước khi ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP). Hội tỉnh Quảng Ngãi trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; có 6 cán bộ, nhân viên, trong đó có 3 biên chế nhà nước. Tỉnh hội Bạc Liêu cũng do Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản; có 6 cán bộ, nhân viên, gồm 4 chỉ tiêu biên chế nhà nước. Tỉnh hội Khánh Hòa trực thuộc sở Nội vụ quản lý; có 4 người, trong đó có 3 biên chế; mỗi huyện có 1 biên chế… Tỉnh hội Bà Rịa – Vũng Tàu có 8 người, do UBND tỉnh trực tiếp quản lý…Như vậy, chúng ta thấy sự khác nhau về sở chủ quản: có nơi là sở Lao động – Thương binh và Xã hội, có nơi là sở Tài Nguyên và Môi trường, có nơi là sở Nội vụ,… Về số lượng nhân viên tại cơ quan tỉnh hội cũng khác nhau: Thái Bình: 12, Quảng Ngãi: 6, Khánh Hòa: 4, Bắc Kạn: 3,… Số được biên chế cũng khác nhau: Tỉnh hội Hậu Giang: 2, Tỉnh hội Bắc Ninh, Tỉnh hội Đắk Nông: 3, Tỉnh hội Cao Bằng: 01, Tỉnh hội Phú Thọ: 0 (chỉ có 2 suất định biên),...
Từ thực trạng trên cho thấy, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Thông báo số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư Về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới; trong đó chú trọng: “Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng đối với các hội”. Các cấp ủy phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin cùng cấp. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cần phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, thể chế quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng nói chung và Hội NNCĐDC/dioxin nói riêng tương đối đầy đủ, song vẫn cần được bổ sung, cụ thể hóa phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới. Về tổ chức hội, hiện đang thực hiện cơ chế: Bộ Nội vụ quyết định trực tiếp việc tổ chức các hội ở Trung ương; ở địa phương do UBND cùng cấp quyết định theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ra văn bản quy định, hướng dẫn, thống nhất mô hình tổ chức cơ quan Hội NNCĐDC/dioxin ở cấp tỉnh, huyện, xã. Đề nghị tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin như hiện nay, không sáp nhập cùng hội quần chúng khác, bởi tính chất đặc thù (Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chăm sóc giúp đỡ nạn nhân; đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam,…). Về tổ chức biên chế, cần quy định cụ thể số lượng tối thiểu, số biên chế, định biên, hợp đồng của cấp tỉnh, cấp huyện, (có thể phân theo tỉnh có trên 10.000 NNCĐDC và tỉnh có dưới 10.000 NNCĐDC,…); đồng thời, quy định chế độ, chính sách theo hướng: “Những hội được giao nhiệm vụ thì được bố trí kinh phí, trụ sở làm việc”. Bên cạnh đó, cần thống nhất các tổ chức lãnh đạo, chính quyền trong hội, như: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Thường trực, Ban Kiểm tra…
Một vấn đề hết sức quan trọng là, các hội cần quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của trên, chủ động thực hiện việc đánh giá, rà soát tổ chức biên chế, tích cực đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, cơ chế tài chính phù hợp để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
(Theo Mạnh Dũng - Tạp chí Da cam VN)