Đang truy cập: 21
Trong ngày: 7
Trong tuần: 479
Lượt truy cập: 268519
Trong ngày: 7
Trong tuần: 479
Lượt truy cập: 268519
“…Mỗi khi cùng anh em đơn vị chôn cất liệt sĩ, trong tim tôi luôn khắc khoải một lời thề: Sau chiến tranh, nếu còn sống, nhất định mình sẽ tìm cách đưa các bạn về quê nhà…!”.
Đó là câu nói của ông Nguyễn Ngọc Dậu - CCB Trung đoàn 198 đặc công, hiện sống cùng gia đình ở khu Mộ Thượng, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ khi nhớ về những năm tháng ác liệt ở chiến trường.
CCB Nguyễn Ngọc Dậu soạn thư từ, thông tin tìm kiếm liệt sĩ.
CCB- Thương binh - Nạn nhân CĐDC/Dioxin Nguyễn ngọc Dậu
Trong ngôi nhà mới xây, đối diện với ngôi từ đường họ Nguyễn Ngọc làng Mộ Thượng, CCB Nguyễn Ngọc Dậu chia sẻ với tôi về những năm tháng đã qua của đời mình. Giọng kể của ông khi sôi nổi, lúc trầm lắng nhưng mạch lạc, khúc chiết, có sức cuốn hút người nghe.
-Nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ sinh tôi vào năm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1945, vì thế các cụ đặt tên con là Dậu, đó như là cách để ghi nhớ về cuộc cách mạng mùa thu long trời lở đất, nhớ về nạn đói khủng khiếp sau lũ lụt khiến bao người vùng ngã ba sông phải tha phương, bỏ xác nơi đất khách quê người. Nhà có hai anh em, trên tôi là anh trai. Tôi được vài tuổi thì bố mất. Khi giặc Pháp tràn lên Việt Trì, ba mẹ con gồng gánh tản cư lên mạn Đoan Hùng. Đầu năm 1954, anh trai tôi là Nguyễn Ngọc Quảng trốn nhà tòng quân. Cuối năm ấy, khi giặc rút khỏi Việt Trì, hai mẹ con hồi hương, tôi được cắp sách tới trường, được sinh hoạt đội thiếu nhi. Tròn chục năm quân ngũ, chiến đấu khắp các chiến trường từ Bắc và Nam, năm 1964, anh trai tôi hy sinh ở mặt trận Quảng Nam. Nhận giấy báo tử con, mẹ tôi buồn đau vô hạn. Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, tôi tham gia đơn vị tự vệ Bạch Hạc, bảo vệ trọng điểm cầu Việt Trì. Đến năm 1967, hòa vào khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, mặc dù thuộc diễn miễn hoãn nghĩa vụ quân sự vì có anh là liệt sĩ, nhà chỉ còn lại mẹ già. Biết không thể giữ được đứa con còn lại, bà gạt nước mắt tiễn con ra trận. Chiến tranh kết thúc, may mắn sống sót, cuối năm 1975 tôi được nghỉ phép, về quê xây dựng gia đình. Do sức khỏe yếu cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1978, từ Quân đội, tôi chuyển ngành về nhà máy Dệt Vĩnh Phú. Làm bảo vệ nhà máy hơn 5 năm, tôi được giải quyết chế độ mất sức lao động.
Vợ chồng tôi có 3 người con nhưng thằng út có lẽ do ảnh hưởng bệnh tật từ tôi nên tâm tính bất thường. Cháu cũng xây dựng gia đình, vợ chồng nó cũng có 2 con nhưng đều “hữu sinh vô dưỡng”, nay vợ nó cũng rời bỏ chồng đi tìm hạnh phúc mới…
Vợ chồng CCB Nguyễn Ngọc Dậu thuở thanh xuân
Kể đến đây, giọng ông Dậu sâu lắng: -Tôi chỉ có 11 năm tuổi quân nhưng đó là quãng thời gian không thể quên, bởi mình cùng đồng đội được có mặt ở những chiến trường khốc liệt như Quảng Trị, Thừa Thiên, Tây Nguyên… Dù là bộ binh hay lính đặc công, tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận. Trong chiến đấu, bao đồng đội của tôi đã hy sinh. Mỗi khi cùng đơn vị chôn cất liệt sĩ, trong tim tôi khắc khoải một lời hứa: Nếu còn sống, sau chiến tranh, nhất định mình sẽ tìm cách đưa các bạn về quê. Lời hứa ấy như một món nợ, luôn day dứt trong tâm tôi kể từ khi rời quân ngũ. Nhưng ông biết đấy, những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, tình hình kinh tế vô cùng khó khăn. Vợ chồng tôi lần hồi làm ăn nuôi mẹ, nuôi con. Mấy gian nhà dựng từ khi trở về quê cũ cũng chỉ được dặm dọi làm nơi tá túc của một gia đình 5 người. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, dần dà, đời sống gia đình cũng khấm khá hơn chút, tôi bắt đầu hành trình thực hiện lời hứa “đi tìm đồng đội”…
Một người đồng đội của ông Dậu - CCB, thương binh Nguyễn Trọng Đỗ ở xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê kể: - Chiến tranh kết thúc, trong số bao việc phải làm có việc tìm kiếm thông tin những người con hy sinh vì Tổ quốc. Khi hàng ngày, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát đi những bản tin tìm kiếm người thân, phát hiện hài cốt liệt sĩ. Do công việc đồng áng nên ông Dậu không thể theo dõi đầy đủ. Vậy là ông chuyển từ trồng trọt sang nuôi bò, hàng ngày vừa chăn thả, vừa nghe đài, ghi chép thông tin. Mấy cuốn sổ tay của ông chi chít tên liệt sĩ, tên nhân thân, tên quê hương bản quán, tên đơn vị, tên mặt trận, tên nghĩa trang rồi số điện thoại .v.v. Có được thông tin, ông Dậu sàng lọc, bỏ tiền mua tem, mua phong bì, gửi thư, gọi điện chắp nối, báo tin. Từ nguồn tin của ông, đã có không ít gia đình tìm kiếm, quy tập được hài cốt liệt sĩ. Nhưng, với những người đồng đội năm nào, phần do hoàn cảnh gia đình anh em cũng khó khăn, phần vì muốn trực tiếp thực hiện lời hứa, ông Dậu rất muốn cùng thân nhân liệt sĩ tìm về chiến trường xưa. Ngặt nỗi, kinh tế gia đình quá em hẹp. Vậy là ông Dậu bàn với vợ bán đi cặp bò, đồng thời thế chấp cả “sổ đỏ” vay tiền “đi tìm đồng đội”. Từ năm 2004, ông đã 5 lần vào Tây Nguyên, đến các nghĩa trang, ghi chép thông tin liệt sĩ và cùng một số gia đình tìm kiếm thân nhân. Kết quả là ông cùng các gia đình đã đưa được hài cốt hàng chục liệt sĩ về quê. Ngoài ra, ông Dậu cùng Ban liên lạc Sư đoàn 305 bộ đội miền Nam tập kết quy tập 53 phần mộ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị từ trần không có thân nhân thờ cúng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ về nghĩa trang liệt sĩ… Nay, mặc dù đã 78 tuổi nhưng hành trình đi tìm đồng đội của CCB – thương binh – nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Ngọc Dậu vẫn không ngưng nghỉ. Ngoài việc đọc báo, nghe đài để thu thập thông tin liệt sĩ, ông Dậu còn tự nguyện tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ để có thêm cơ hội tìm kiếm những đồng đội còn nằm lại trên mảnh đất chiến trường xưa.
Trong căn nhà mới xây bên đường vào làng Mộ Thượng, ông Nguyễn Ngọc Dậu chỉ vào từng tấm Huân chương, Huy chương, Giấy chứng nhận, Bằng khen, Giấy khen…treo trên tường mà nhớ lại từng trận đánh, từng chiến dịch, từng sự kiện cũng như hành trình mấy mươi năm đi tìm đồng đội và tham gia công tác xã hội của mình. Nhìn sang ngôi từ đường dòng họ Nguyễn Ngọc, ông nói: -Có lẽ tổ tiên và linh hồn các liệt sĩ đã phù hộ, cho tôi sức khỏe và sự minh mẫn. Cháu tôi – con trai liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quảng – kế tục và phát huy truyền thống gia đình, phấn đấu trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh Vĩnh Phúc. Đã có mười năm chiến đấu vì Tổ quốc, hai mươi năm khó nhọc nuôi con, nay điều kiện khấm khá hơn, phần đời còn lại tôi tiếp tục sống vì đồng đội. Chỉ có gần 5 triệu tiền lương hưu mất sức lao động và trợ cấp thương tật, trợ cấp nạn nhân chất độc da cam; ông bà Dậu – Kim vẫn chắt chiu một phần tiền mua tem thư, phong bì, nạp tiền điện thoại liên lạc với các địa phương, thân nhân liệt sĩ để chắp nối thông tin và làm lộ phí thực hiện hành trình thăm hỏi đồng đội ốm đau, động viên thân nhân liệt sĩ…Ngoài ra, ông Dậu còn viết báo, làm thơ; đã hoàn thành bản thảo 2 tập sách: Trở về từ cuộc chiến và Một thời để nhớ ghi lại những dấu mốc khó quên trong cuộc đời quân ngũ và hành trình “đi tìm đồng đội” của mình.
Đưa tôi xem danh sách 23 liệt sĩ Trung đoàn 198 đặc công hy sinh trong trận tiến công sân bay Buôn Mê Thuật và Kho Mai Hắc Đế; 24 liệt sĩ D27 Trung đoàn 198 hy sinh tại Buôn Dung trong ngày đêm mở đầu chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 cùng bảng thống kê tên tuổi, quê quán, đơn vị của 30 liệt sĩ hy sinh ngày 11-3 được an táng tại rừng cao su Sân bay Hòa Bình…; ông Dậu ngậm ngùi: -Trong số này, đã có anh em được tìm thấy đưa về nghĩa trang hoặc đưa về quê, nhưng không ít người vẫn còn nằm dưới đất sâu. Đó là nỗi day dứt của tôi cũng như các đồng đội còn sống trở về. Những CCB, thương binh mỗi ngày mỗi nhiều tuổi mà lời hứa năm xưa thực hiện vẫn chưa được bao nhiêu!
CCB Nguyễn Ngọc Dậu trong quân phục binh chủng đặc công.
Trong lần hội ngộ anh em trong đơn vị được tổ chức ngày 30-4 vừa qua mà tôi được mời dự, bên cạnh niềm vui đoàn tụ, ông Dậu và các CCB Trung đoàn 198 đặc công vẫn nhắc nhở nhau những việc phải làm để tiếp tục tìm kiếm, quy tập cho được hài cốt của những người đồng đội còn nằm trong lòng đất Tây Nguyên gần nửa thế kỷ nay…Quyết tâm của các CCB vẫn vẹn nguyên nhưng tuổi tác, bệnh tật đã và đang bào mòn sức lực của họ; thêm vào đó, lớp bụi thời gian đang phủ mờ dần những dấu tích hiếm hoi thì việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ càng trở nên gian khó bội phần. Dẫu sao, sự hy sinh của các liệt sĩ đã được Tổ quốc ghi công; dù chưa thể biết chính xác phần xương máu các anh còn nằm nơi nào nhưng xin các CCB yên lòng bởi một điều chắc chắn: Những người con ưu tú của Tổ quốc vẫn yên nghỉ giữa lòng đất mẹ Việt Nam, và họ không bao giờ bị quên lãng, không bao giờ “chết” trong lòng dân. Dấu tích khốc liệt của chiến trường B3 Tây Nguyên bom cày đạn xới, chất độc hóa học bủa vây năm xưa đã lùi dần và được thay thế bằng màu xanh trù phú…
NGUYỄN SẢN
Phản hồi
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC