Trong ngày: 20
Trong tuần: 203
Lượt truy cập: 256618
Ông Nguyễn Đức Chính là hội viên cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC/DIOXIN) ở xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Lão nông Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại nội thất Đại Hoàng Gia ở xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ
Đó là người nông dân mặc áo lính, ra đi từ mái tranh nghèo, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, trở về gia đình lại gắn bó với ruộng vườn nơi quê hương đất bưởi của mình. Cùng với phát triển kinh tế vườn, vài năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Đức Chính mạnh dạn đầu tư phát triển tiểu - thủ công nghiệp, vừa tạo việc làm cho con, cháu các cựu chiến binh - những đồng đội ở địa phương, lại vừa cho nguồn thu nhập không nhỏ.
Một ngày đẹp trời tháng 5 vừa qua, đến thăm vườn đồi gần 2 nghìn m2 và khu xưởng sản xuất 1000 m2, tôi được ông Chính chia sẻ về quãng đời quân ngũ và cuộc sống gia đình những năm gần đây.
Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào thời kỳ gay go, ác liệt nhất, Nguyễn Đức Chính nhập ngũ và đã có mặt ở khắp các mặt trận từ Quảng Trị đến Tây Ninh. Được phục viên năm 1977 thì đến tháng 3-1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông lại một lần nữa khoác ba lô lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và có thêm 5 năm tuổi quân.
Nhớ về những năm tháng đánh Mỹ hào hùng, ông Chính kể: Ngày ấy bộ đội ta chưa có khái niệm gì về sự nguy hiểm của chất độc da cam. Khi hành quân tác chiến dưới những cánh rừng Trường Sơn hay khi vận động truy kích địch ở miền Đông Nam Bộ, mỗi lần thấy máy bay địch phun sương, anh em ta không biết cách phòng tránh. Người nào cẩn thận lắm cũng chỉ biết lấy khăn mặt dấp nước rồi bịt vào miệng vào mũi. Sau khi phục viên về quê hương, đồng đội tôi đã có nhiều người bị ốm yếu; lấy vợ, sinh con ra không được khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường, thậm chí tật nguyền, dị dạng. Hầu như người nào đã từng hành quân tác chiến dưới màn sương do máy bay Mỹ phun xuống đều ít nhiều bị ảnh hưởng sức khỏe. Bản thân tôi, sức khỏe cũng rất kém, thường xuyên ốm đau. Sau này về quê, mình đau yếu luôn, con cái cũng không được khỏe mạnh nên kinh tế gia đình cũng gặp khó khăn…
Cùng với quản lý hoạt động của Công ty, ông Chính luôn gắn bó với khu vườn bốn mùa hoa thơm quả ngọt của gia đình.
Cùng đi với tôi thăm cơ ngơi của ông Chính có ông Tô Văn Hòa – Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/DIOXIN huyện Đoan Hùng. Khi kể về người đồng đội CCB, thương binh hạng 4/4, hội viên của Hội, ông Hòa vừa tự hào, vừa cảm phục: - Từ khi rời quân ngũ, vượt lên bao trở ngại, ông Chính cùng người vợ đảm đang chung tay lo liệu để ổn định cuộc sống, nuôi dạy các con khôn lớn. Ông bà hiện có 4 người con (2 trai, 2 gái) đều đã phương trưởng. Ông bà đầu tư cho con trai đầu là Nguyễn Đức Chiến lập nghiệp ở Hà Nội. Cháu Chiến đã thành lập được doanh nghiệp tư nhân, công việc kinh doanh khá phát triển. Từ năm 2021, vợ chồng ông Chiến và con trai đã mở thêm một xưởng sản xuất vật liệu trang trí nội thất ngay trên khu đất vườn của gia đình, giúp gần hai chục lao động ở địa phương có việc làm và thu nhập khá ổn định. Thay thế công việc quản lý của con trai kinh doanh ở Hà Nội, mấy năm nay, ông Chính trực tiếp làm Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại nội thất Đại Hoàng Gia. Công ty của ông chuyên về sản xuất, lắp đặt nội thất phòng Karaoke, bàn ghế Sô-pha. Từ khi mở cơ sở sản xuất ở Đoan Hùng đến nay, Công ty đã đào tạo cho tất cả lao động thành thạo tay nghề và có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng liên quan đến sản xuất như phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…Sản phẩm của Công ty đã có mặt hậu hết các tỉnh bắc miền Trung, đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc… Ít ai ngờ rằng, những trang thiết bị phòng hát Karaoke, những bộ bàn ghế sang trọng, lộng lẫy như trong cung thất hoàng gia lại được ra đời từ một xưởng sản xuất bên trong con ngõ nhỏ ở khu Văn Tiến 3 xã miền núi Vân Du, huyện Đoan Hùng! Mỗi năm, Công ty của ông Chính có lợi nhuận từ 700-900 triệu đồng; người lao động được bảo đảm an toàn lao động, có mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng; người ở xa được bố trí ăn ở chu đáo.
Trong âm thanh ồn ào của xưởng sản xuất, tiếng máy cưa, tiếng búa xen lẫn tiếng chỉ huy lao động; ông Chính chia sẻ một cách chân thành: - Từ đồi rừng vào quân ngũ rồi lại về với đồi rừng, thực ra mình có hiểu nhiều về quản lý sản xuất đâu. Nhưng khi đã “leo lên lưng hổ” rồi thì phải vừa làm vừa học, đúc rút kinh nghiệm để làm. Danh nghĩa là giám đốc Công ty nhưng thực ra tôi chỉ lo phần sản xuất, còn đầu ra của sản phẩm thì giao cho cậu trai trưởng vì nó đã có gần chục năm kinh nghiệm trên thương trường. Với công việc giám đốc của mình, tôi chỉ nghĩ đơn giản: Đó là mình phải tổ chức, kiểm tra, giám sát sản xuất; là đôn đốc anh em thợ thuyền thực hiện nghiêm nội quy, quy trình kỹ thuật, an toàn lao động… Cao tuổi rồi, với tôi, các khái niệm quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số còn xa vời lắm! Thời buổi 4.0, lão nông làm giám đốc phải đương đầu bao nhiêu cái khó…Nghe những chia sẻ của vị giám đốc lão nông, tôi nghĩ tới công việc quản trị doanh nghiệp ông. Cổ nhân từng nói, người cầm cờ phải biết sử dụng kết hợp giữa “pháp trị” và “đức trị”; nay lãnh đạo doanh nghiệp của mình, công cụ mà ông Chính có trong tay là những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cùng những nội quy, quy chế, hợp đồng, thỏa ước…và, điều không thể thiếu là sự quan tâm đến đời sống, việc làm, an toàn, thu nhập của người lao động…
Sản phẩm của Công ty được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường các tỉnh phía Bắc
Ông Chính chia sẻ chân thành: Người ta một lòng một dạ gắn bó với mình khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn thì trách nhiệm của mình phải lo “bát cơm manh áo” cho anh em; trong nhiều trường hợp, người lao động chính là con em những đồng đội của mình! Không chỉ đơn thuẩn là công việc quản lý mà hơn thế, đó còn là đạo lý, là tình người!
Đến nay, gia đình ông Chính đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Thay cho mái lá sập sệ khi xưa là ngôi nhà xây kiên cố, rộng rãi với nhiều vật dụng đắt tiền. Cùng với xưởng sản xuất là vườn cây, ao cá ven đồi. Âm thanh máy cưa, máy hàn, máy phun sơn hòa cùng tiếng gió reo vườn bưởi, vườn mít, hàng bơ trĩu quả xôn xao một vùng đồi. Vực được kinh tế gia đình và phát triển sản xuất – kinh doanh hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Đức Chính không quên giúp đỡ bà con chòm xóm và đồng đội còn khó khăn. Có Tết nguyên đán, gia đình ông đã ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đoan Hùng số tiền gần 50 triệu đồng để lo quà tết cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn hơn; Công ty của con trai ông ủng hộ 10 triệu đồng để Hội nạn nhân chất độc da cam huyện có thêm nguồn quỹ hoạt động. Hàng năm, Công ty của ông đều dành phần lợi nhuận khoảng chục triệu đồng ủng hộ hoạt động của hội người cao tuổi và đội thiếu nhi thôn xóm, tặng quà Tết cho hộ giáo dân nghèo, nạn nhân chất độc da cam ở địa phương; đăng cai là nơi lo liệu việc tổ chức sinh hoạt của Hội Nạn nhân CĐDC huyện Đoan Hùng…
Tác giả bài viết và nhân vật
Đã 71 tuổi nhưng ông Nguyễn Đức Chính luôn xứng đáng là tấm gương thương binh - hội viên CCB làm kinh tế giỏi, hội viên Hội NNCĐDC/DIOXIN nỗ lực vượt lên chính mình và luôn dồi dào hảo tâm chia sẻ khó khăn với đồng đội và những người yếu thế.
Xin chúc lão nông – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại nội thất Đại Hoàng Gia tiếp tục sản xuất – kinh doanh phát đạt, gieo mầm nhân ái tươi xanh trên quê hương bưởi ngọt Đoan Hùng.
Nguyễn Sản (Tỉnh hội Phú Thọ)
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC