Trong ngày: 126
Trong tuần: 469
Lượt truy cập: 268506
Ông Nguyễn Văn Thị sinh năm 1940, là hội viên Hội CCB, Hội NNCĐDC/dioxin ở thôn Nghĩa Khê, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Người dân trong xã, trong huyện biết đến ông nhiều hơn bởi tuy là nạn nhân chất độc da cam, sức khỏe yếu, gia cảnh chẳng thể gọi là khấm khá nhưng ông Thị luôn rộng lòng chia sẻ quyền lợi riêng vì lợi ích cộng đồng. Gia đình ông đã hai lần hiến đất cho làng, cho xã vì lợi ích tập thể.
CCB - Nạn nhân CĐ DC/dioxin Nguyễn Văn Thị trước Nhà văn hóa thôn Nghĩa Khê - vốn trước đây là khu đất 5000m2 do gia đình ông hiến cho xã.
Có thể gọi gia đình ông là “danh gia, vọng tộc” bởi cha ông - cụ Nguyễn Văn Hiểu - là người giỏi cả chữ Pháp và chữ Hán; mới 20 tuổi đã được chính quyền phong kiến phong chức Quản Đoàn, rồi chức Phó Lý. Do quê hương gần Châu Tự Do (huyện Sơn Dương. tỉnh Tuyên Quang ngày nay) nên cụ sớm được giác ngộ, trở thành đảng viên Cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ Hiểu được Đảng giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Hợp Nhât. Năm 1952, trên đường làm nhiệm vụ chống càn và đưa nhân dân sơ tán, bị máy bay Pháp ném bom, cụ Nguyễn Văn Hiểu hy sinh.Ông Thị là con cả trong gia đình có 4 anh em. Cha đã hy sinh, mẹ phải nuôi các em nhỏ dại, năm 14 tuổi cậu bè Thị từng thay mẹ đi dân công phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. Chiến dịch thành công, về địa phương, ông Thị tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc, Bình dân học vụ, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Chiến sĩ diệt dốt”. Năm 19 tuổi, ông được tuyển vào làm cán bộ đo đạc thuộc Ty Thủy lợi tỉnh Phú Thọ. Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, mặc dù đã có em ruột đang ở chiến trường B nhưng ông vẫn xung phong lên đường nhập ngũ. Có trình độ văn hóa và đã từng công tác trong cơ quan nhà nước nên mới chỉ là hạ sỹ quan nhưng ông được giao nhiệm vụ Chính trị viên đại đội, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 đầy bi tráng. Ông từng tự tay chôn cất người em con chú ruột cùng chiến đấu, bị pháo kích hy sinh; từng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh ở mặt trận Thành cổ. Qua nhiều lần bị bom vùi và sức ép của đạn pháo nên sức yếu, năm 1974, ông chuyển ngành về công tác ở gần nhà để có thể đỡ dần vợ con. Năm 1978, khi biên giới phía Bắc bắt đầu có những biểu hiện phức tạp, ông lại được tăng cường sang Ban CHQS huyện, làm nhiệm vụ quản lý quân dự nhiệm ở địa phương. Đến năm 1982, do hoàn cảnh gia đình và sức yếu, ông nghỉ chế độ mất sức.
Người cựu chiến binh từng trải hai cuộc chiến tranh về với đời thường ngoài huân, huy chương, bằng khen là di chứng chất độc da cam dioxin đang âm thầm hủy hoại sức khỏe.
Là người lính đã trải qua những năm tháng ở chiến trường ác liệt nhất, được chứng kiến sự hy sinh của bao đồng đội, của người thân nên trong ông Thị, không mảy may có tư tưởng công thần, bon chen, đòi hỏi; mà ngược lại, còn chút sức lực nào còn cống hiến.
Năm 2009 khi Hội Da cam cấp huyện, cấp xã được thành lập, ông Thị được hội viên tín nhiệm bầu làm Trưởng chi hội NNDC xã Đại Nghĩa (khi đó chưa sáp nhập thành xã Hợp Nhất như hiện nay). Với bản tỉnh thật thà, chu đáo; ông luôn công khai minh bạch các nguồn lực mà các tổ chức, cá nhân ủng hộ nạn nhân da cam. Ông đặc biệt quan tâm đến những nạn nhân gián tiếp, như trường hợp là con ông Hà Văn Cẩn, ông Hà Văn Cứ ở thôn Làng Vải. Ông Thị cho rằng, nạn nhân da cam trực tiếp đã khổ, nhưng nạn nhân gián tiếp còn khổ hơn, vì chế độ phụ cấp thấp, các cháu ít tuổi lại bệnh tật, nỗi khổ còn dai dẳng. Những năm gần đây, tuổi đã cao sức khỏe yếu, địa bàn xã sau khi sáp nhập lại rộng hơn, khó khăn cho việc đi lại nên ông Nguyễn Văn Thị đã xin thôi không làm Chi Hội trưởng Hội NNDC xã Hợp Nhất.
Hơn chục năm làm công tác Hội, bà con trong làng, ngoài xã, các nạn nhân da cam không chỉ nhận thấy ở ông Thị sự tận tâm, chu đáo trong công việc mà còn là sự nhường nhịn, sẻ chia, không vụ lợi. Nhiều người còn nhớ, khi được gợi ý hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ ông đã thẳng thắn từ chối: - Mình già thì có các con, không ở với đứa này thì ở với đứa khác, việc gì phải làm nhà cho tốn kém! Nhiều người cho đó là dại: Nhà nước có chính sách ưu đãi, tội gì mà không nhận! Khi ấy ông Thị chỉ cười bảo rằng, năm xưa nếu mũi tên, hòn đạn, mảnh pháo nó không tránh mình thì giờ ta chỉ là nắm xương khô dưới ba tấc đất, còn đâu mà so sánh thiệt hơn. Khỏe thì ở với con cái, đau ốm thì có bệnh viện ngay bên kia sông Lô, tính toán thiệt hơn làm gì! Không đòi hỏi đãi ngộ, ông Thị và gia đình còn rộng lòng hiến đất xây dựng quê hương. Năm 2012, gia đình ông hiến 5.000m2 đất khu vực đồi Dục Thọ - nơi ngã ba trung tâm, có vị trí đắc địa, đáng giá hàng tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn Nghĩa Khê. Đến năm 2022, khi có dự án mở rộng đường giao thông nông thôn, xã vận động nhân dân hiến đất làm đường không nhận đền bù, một lần nữa ông Thị lại thuyết phục vợ chồng người con thứ tư đang ở cùng ông tại khu Dục Đầm, thôn Nghĩa Khê hiến 150m2 thổ cư cùng với việc phá hàng rào trị giá gần 100 triệu đồng, phục vụ làm đường mà không có bất kỳ khoản đền bù nào. Giờ đây, mỗi buổi sáng, bước ra cổng, nhìn các cháu học sinh đi xe đạp trên con đường bê tông rộng rãi, an toàn; buổi chiều các cháu lại đến sân nhà văn hóa thôn vui chơi lành mạnh, tránh được những nơi nguy hiểm gây tai nạn thương tích, đuối nước; ông Thị rất vui, càng thấy quyết định hiến đất của mình là đúng đắn, đem lại lợi ích thiết thực cho cho dân, cho xã; ông cảm thấy nhẹ lòng khi sự cống hiến của mình là không uổng phí!
Khi chia tay, chúng tôi hỏi ông có đề đạt nguyện vọng gì với tổ chức Hội NNCĐDC và các cơ quan nhà nước không, người CCB già chỉ ao ước làm sao tìm được phần mộ người em con chú ruột chiến đấu cùng mặt trận Quảng Trị, hy sinh năm 1972 mà chính ông tự tay chôn cất nhưng nay ông trở lại chiến trường xưa tìm kiếm vẫn không thấy. Ông Thị đọc cho chúng tôi ghi vài thông tin về liệt sĩ Nguyễn Mạnh Ngữ, sinh năm 1947, quê thôn Nghĩa Khê, xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng, tỉnh Vĩnh Phú; nhập ngũ năm 1968; hy sinh năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị với hy vọng ai đó có thông tin về phần mộ của Liệt sĩ Ngữ thì báo giúp đến gia đình, hoặc tác giả bài viết này là Nguyễn Thanh Hồng – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đoan Hùng, điện thoại: 0983.265.193 để CCB, hội viên Hội NNCĐDC Nguyễn Văn Thị được toại nguyện.
Nguyễn Thanh Hồng
(Hội CTĐ Đoan Hùng - Phú Thọ)
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC