Trong ngày: 79
Trong tuần: 396
Lượt truy cập: 259352
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam
Qua 5 năm thực hiện Thông báo kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư khóa X, công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đã đạt được kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trân Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp đã quan tâm, có chủ trương, biện pháp, hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, đơn vị; tích cực triển khai chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học, nên kết quả còn hạn chế. Hệ thống văn bản quy định trong lĩnh vực này còn vướng mắc, khó thực hiện. Nhiều địa phương, đơn vị để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam, gây bức xúc trong nhân dân. Vai trò của Hội Nạn nhân chất độc da cam các cấp chưa được phát huy đầy đủ. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng và địa phương chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ.
Để tăng cường công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, Ban Bí thư Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam
Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ đảng viên và tổ chức trong hệ thống chính trị. Cần xác định nhiệm vụ xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường trong khu vực còn tồn đọng chất độc hóa học và chương trình chăm sóc, giúp đỡ người dân vùng phơi nhiễm chất độc da cam vào chương trình an sinh xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của địa phương, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tập trung giải quyết dứt điểm từng vấn đề; trong đó phải coi trọng việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện chính sách này.
Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực hiện đầy đủ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam
Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ; chế độ trợ cấp cho người bị nhiễm chất độc hóa học trong và sau chiến tranh. Bổ sung chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam là thương binh và việc áp dụng mức tỉ lệ nhiễm chất độc hóa học. Quy định tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin và tiêu chí xác định bệnh/tật do chất độc da cam; quy trình xem xét, giám định nạn nhân chất độc da cam.
Các bộ, ngành, địa phương quan tâm tạo điều kiện để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin nâng cao chất lượng hoạt động. Có chính sách phù hợp đối với người làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện, tăng cường phối hợp thực hiện tốt Quyết định số 651/QĐ-TTg, ngày 01-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
3. Tiếp tục vận động, đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết hậu chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Các bộ, ngành liên quan và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam phối hợp chặt chẽ, kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Tăng cường vận động và đấu tranh với Chính phủ, Quốc hội và chính giới Mỹ về thảm họa chất độc do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, qua đó yêu cầu họ có trách nhiệm cao hơn trong việc giải quyết hậu quả này.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả thảm họa da cam; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Cần chú ý tuyên truyền, tư vấn cho những người bị nhiễm chất độc da cam trong việc thực hiện chính sách dân số.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ và thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
5. Củng cố, kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, hướng về cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ, gắn bó với các nạn nhân chất độc da cam, nhất là các nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa; tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận và thụ hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định.
Các cấp Hội Nạn nhân cất độc da cam/dioxin chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho các cấp ủy đảng, chinh quyền những chủ trương, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
6. Tổ chức thực hiện
Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.
Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ thị tại các địa phương, đơn vị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả việc thực hiện.
TM/Ban Bí thư
Lê Hồng Anh đã ký
Người gửi / điện thoại
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN PHÚ THỌ
Số 16 đường Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại/fax: 02103815032. Email: phutho@vava.vn
Chủ tịch: Đại tá BÙI QUANG VINH; Chánh văn phòng: PHẠM VĂN ĐƯỢC